Cách mạng Tháng Tám thành công và sự thành lập Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
(Dân trí) - Đầu năm 1945, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến mau lẹ, chiến tranh thế giới thứ hai đến hồi kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Ở trong nước, quân Nhật hoang mang, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim rệu rã, phong trào cách mạng của quần chúng phát triển rộng khắp, cùng với đó, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, là thời cơ thuận lợi để nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Đầu năm 1945, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến mau lẹ, chiến tranh thế giới thứ hai đến hồi kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Ở trong nước, quân Nhật hoang mang, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim rệu rã, phong trào cách mạng của quần chúng phát triển rộng khắp, cùng với đó, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, là thời cơ thuận lợi để nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 đã nhận đinh tình hình và chủ trương: “cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới. Tình thế vô cùng khẩn cấp… Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê. Thành lập Ủy ban nhân dân ở những nơi ta làm chủ”. [1] Tại Hội nghị, Đảng chủ trương thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc để thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu. Ngay đêm ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1 phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, kêu gọi quân dân toàn quốc giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương:
“Hỡi quân dân toàn quốc,
12 giờ trưa ngày 13 tháng 8 năm 1945, phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù chính của chúng ta đã bị ngã gục.
Giờ Tổng khởi nghĩa đã đánh.
Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền Độc lập của nước nhà!” [2]
Trong tình hình hết sức khẩn trương, gấp rút đó, Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Đại hội hoàn toàn tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa, quyết định Quốc kỳ nền đỏ, ở giữa có sao vàng năm cánh và chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca. Để lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc giải phóng giành thắng lợi, Quốc dân Đại hội quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, gồm “những người xứng đáng nhất trong các đoàn thể cứu quốc đương chiến đấu cho sự hoàn toàn độc lập của quốc gia. Nó là cơ quan lãnh đạo tối cao của quốc gia để hành động cho kịp thời trong lúc tình hình biến chuyển rất mau lẹ. Nó sẽ thay mặt quốc dân Việt Nam và dựa trên thực lực của quốc dân để tranh lấy sự đồng tình của các nước đồng minh dân chủ.” [3] Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam tháng 8/1945, việc thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng là một quyết định đúng đắn, kịp thời của Đảng, cũng là sự đáp ứng yêu cầu cấp bách của tình hình bấy giờ, là bước chuẩn bị về tổ chức cho sự thành lập chính phủ mới của nhân dân Việt Nam.
Ngay sau Đại hội Quốc dân Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “giờ quyết định vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” [4] .
Cùng với Quân lệnh số 1, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi như Lời hiệu triệu, nhanh chóng, kịp thời kêu gọi nhân dân cả nước chớp thời cơ, đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Chiều 16/8/1945, một đơn vị quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên mở đầu cho Cách mạng Tháng Tám. Tiếp theo Thái Nguyên, ngày 18/8/1945, nhân dân Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành được chính quyền, là những tỉnh lỵ giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước.
Tại Hà Nội, ngày 17/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Thành uỷ Hà Nội, phong trào cách mạng của quần chúng lên cao, chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Sáng ngày 19/8 , Hà Nội đỏ rực màu cờ, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà Hát Lớn, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng đã diễn ra, trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ Khâm sứ, Trại lính Bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Trước khí thế sục sôi của quần chúng khởi nghĩa, binh lính và cảnh sát ngụy cũng bất lực và cuối cùng ngả theo cách mạng, Hà Nội giành được chính quyền. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã có tiếng vang nhanh trong cả nước, có tác dụng cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ các tỉnh và các thành phố khác nổi dậy giành chính quyền và làm tăng thêm cuộc khủng hoảng trong hàng ngũ kẻ thù, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước nhanh chóng giành thắng lợi.
Đoàn biểu tình của tổ chức phụ nữ Cứu quốc ở Hà Nội ngày 19/8/1945 (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, SLT 66 - 13)
Ngày 19/8/1945, nhân dân giành chính quyền tại Bắc Bộ Phủ (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, SLT 76 – 12154)
Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày (14 đến 28/8) cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã thực hiện trên cả nước, Cách mạng Tháng Tám thành công, nền thống trị, áp bức của bọn đế quốc Pháp, Nhật và chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng nghìn năm đã bị lật đổ hoàn toàn. Chính quyền thuộc về nhân dân.Tiếp theo Hà Nội và các tỉnh, ngày 23/8 Huế giành được chính quyền, ngày 25/8 Sài Gòn giành được chính quyền, ngày 28/8 Đồng Nai Thượng và Hà Tiên là địa phương cuối cùng trong cả nước giành được chính quyền.
Ngày 28/8/1945, đứng trước yêu cầu cấp bách cần phải sớm ổn định tình hình, củng cố chính quyền cách mạng, biến chính quyền đó thành công cụ đắc lực cho việc củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ thành quả Cách mạng vừa giành được và để có cơ sở trong việc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội ở Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ.
Trong Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời ngày 28/8 [5] , nói rõ: “Nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ Lâm thời tiêu biểu được Mặt trận dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy, tuân theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó cho. Chính phủ Lâm thời không phải là Chính phủ riêng của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) như có người đã lầm tưởng. Cũng không phải là một Chính phủ chỉ bao gồm các đại biểu của các chính đảng. Thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn quốc. Đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ cộng hòa chính thức.” [6] Chính phủ Lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, gồm 15 thành viên:
Hồ Chí Minh | Chủ tịch kiêm ngoại giao |
Võ Nguyên Giáp | Bộ trưởng Bộ Nội vụ |
Trần Huy Liệu | Bộ trưởng Bộ Thông tin, Tuyên truyền |
Chu Văn Tấn | Bộ trưởng Bộ Quốc phòng |
Dưỡng Đức Hiền | Bộ trưởng Bộ Thanh niên |
Nguyễn Mạnh Hà | Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia |
Nguyễn Văn Tố | Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội |
Vũ Trọng Khánh | Bộ trưởng B ộ Tư pháp |
Phạm Ngọc Thạch | Bộ trưởng Bộ Y tế |
Đào Trọng Kim | Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính |
Lê Văn Hiến | Bộ trưởng Bộ Lao động |
Phạm Văn Đồng | Bộ trưởng Bộ Tài chính |
Vũ Đình Hoè | Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục |
Cù Huy Cận | Không giữ bộ nào |
Nguyễn Văn Xuân | Không giữ bộ nào |
Như vậy, với sự ra đời các Bộ thuộc Chính phủ Lâm thời theo bản Tuyên cáo, Chính phủ đã được thiết lập về mặt tổ chức, là chính phủ quốc gia thống nhất, chỉ đạo chung cho toàn quốc về mọi mặt.
Ngày 30/8/1945, trước sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào Thừa Thiên - Huế, Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị và giao nộp ấn, kiếm cho Chính phủ Lâm thời. Trong Tuyên bố thoái vị được soạn thảo ngày 25/8, Hoàng đế Bảo Đại đã nêu rõ: “Hạnh phúc của dân Việt Nam, độc lập của nước Việt Nam, muốn đạt mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố Trẫm sẵn sàng hy sinh tất cả mọi phương diện và cũng vì mục đích ấy, nên Trẫm muốn sự hy sinh của Trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc. Xét thấy điều bổ ích cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết của toàn thể quốc dân, Trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi rằng trong giờ nghiêm trọng này đoàn kết là sống mà chia rẽ là chết, nay thấy nhiệt vong dân chủ của quốc dân Bắc Bộ lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi quốc hội thì không thể nào tránh được nạn Nam Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân, lại thuận tiện cho người ngoài lợi dụng, cho nên mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ tới công lao liệt thành vào sinh ra tử trong gần 400 năm, mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hoá đến Hà Tiên, mặc dầu Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm trời mới gần gũi dân được mấy tháng, chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị, để nhượng quyền điều khiển quốc dân lại cho một Chính Phủ dân chủ cộng hoà”… “Trẫm trong 20 năm ngai vàng bể ngọc đã biết bao ngậm đắng nuối cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui mừng được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của hoàng gia mà lung lạc dân chúng.” [7]
Việc tuyên bố thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại là một sự tuyên bố với nhân dân về sự chấm dứt vai trò của chính quyền quân chủ chuyên chế và nhượng quyền điều hành đất nước cho Chính phủ mới – Chính phủ Lâm thời Dân chủ cộng hòa Việt Nam.
Sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, việc tổ chức các Bộ thuộc Chính phủ Lâm thời, sự tuyên bố thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại là những bước chuẩn bị cần thiết, chín muồi cho sự chính thức tuyên bố ra đời Chính phủ mới của nhân dân Việt Nam. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước cuộc mít tinh khổng lồ của hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới và toàn thể quốc dân đồng bào về nền độc lập của dân tộc Việt Nam và sự thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt sự tồn tại và hoạt động của chế độ quân chủ chuyên chế ở Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Chính phủ Lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã long trọng ra mắt quốc dân đồng bào.
Ngay từ khi ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Lâm thời non trẻ còn đảm đương nhiệm vụ bắt tay ngay vào việc quản lý đất nước trước muôn vàn khó khăn thử thách cần phải giải quyết. Ngày 3/9/1945, Chính phủ Lâm thời đã họp phiên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa, thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách do Chủ tịch nêu ra là:
1/ Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo.
2/ Mở chiến dịch chống nạn mù chữ.
3/ Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ..
4/ Mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói hư tật xấu của chế độ thực dân để lại.
5/ Bỏ ngay thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.
6/ Ra tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.
Họp chính quyền Dân chủ nhân dân Việt Nam năm 1945 (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, SLT 101 – 12)
Như vậy, từ trong cao trào Cách mạng Tháng Tám, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, là thành quả của cuộc Cách mạng vĩ đại của dân tộc, đồng thời, sự ra đời Chính phủ Lâm thời còn nhằm bảo vệ, củng cố và phát triển thành quả của Cách mạng tháng Tám.
70 năm trôi qua, ý nghĩa lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám và sự thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn còn nguyên giá trị, là ngọn cờ đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày càng giàu đẹp.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, NXBCTQG, H, 2000, tr 425.
[2] TTLTQG III, Tài liệu sưu tầm, hồ sơ 256, tờ 02
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, NXBCTQG, H, 2000, tr 562
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXBCTQG, H, 1995, tr 554.
[5] Ngày 28/8/1945 cũng là ngày khai sinh các Bộ thuộc Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Việt Nam Dân quốc Công báo, năm thứ 1, số 1, ngày 29/9/1945, tr 2.
[7] Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 589.
Thiên Lý (tổng hợp)