Bộ tự “đẻ” thêm bộ máy, đề nghị tiếp tục hợp nhất

(Dân trí) - Dù duy trì cơ cấu số Bộ, tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực ổn định đã hơn 2 nhiệm kỳ qua nhưng bộ máy trong mỗi bộ vẫn còn nhiều đầu mối. Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau.

Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy, cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định, không tăng thêm đầu mối, tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực phát huy hiệu quả.

(Minh hoạ: Ngọc Diệp)
(Minh hoạ: Ngọc Diệp)

Một vụ có... 3 “hàm” vụ trưởng, 18 phó vụ trưởng

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, vẫn phải hội họp nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm.

Nhìn chung, bộ máy vẫn cồng kềnh, tinh giản biên chế chưa thực chất. Nhìn cụ thể hơn thì một số Bộ có tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức cao đến khó tin: 3/4, 8/9... Có vụ có đến 3 hàm vụ trưởng, 18 hàm phó vụ trưởng.

Tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều đầu mối. Cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian.

Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất; vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu, chưa thực hiện đúng yêu cầu trong nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Cụ thể, trừ Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT, có 16 bộ ngành duy trì phòng trong vụ với tổng số phòng là 320, trong đó có những vụ có rất nhiều phòng (như Bộ KH-ĐT, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ NN&PTNT có từ 5-7 phòng/vụ).

Tình trạng TƯ có tổ chức, cơ quan nào thì địa phương có tổ chức, cơ quan đó vẫn phổ biến. Cụ thể có 17/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức “cứng” ở các địa phương, có tên gọi và lĩnh vực phụ trách tương ứng với các bộ ngành.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau, khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước.

Việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong bộ ngành phải tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm số lượng đầu mối; giảm biên chế và cấp phó; không duy trì phòng trong vụ, trừ một số ít trường hợp đặc biệt phải có tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định.

Văn bản pháp luật ban hành cũng làm phình bộ máy

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì xây dựng báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về nội dung này.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì xây dựng báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về nội dung này.

Báo cáo giám sát cũng nêu một bất cập, các cơ quan nhà nước nhiều trường hợp khi ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã không thực hiện chặt chẽ yêu cầu về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, vẫn lồng ghép quy định nhằm tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho cơ quan, đơn vị. Từ đó làm phát sinh tổ chức bộ máy và biên chế hoặc gây khó khăn cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội trong giai đoạn 2011 - 2016, ngoài các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, có 18 luật, pháp lệnh chuyên ngành có quy định về tổ chức bộ máy, biên chế. Một số luật, pháp lệnh còn quy định cụ thể việc phân công trách nhiệm cho các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là cho các bộ, cơ quan ngang bộ nên cũng gây khó khăn cho việc sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.

Bên cạnh đó, thì công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Quốc hội, hội đồng nhân dân chưa được tiến hành thường xuyên, có hiệu quả.

Về trách nhiệm của cơ quan hành pháp, đoàn giám sát cho rằng, Chính phủ chậm trình Quốc hội ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số văn bản để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy Chính phủ, chính quyền địa phương. Chậm ban hành nghị định quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang bộ, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, đến tháng 7/2017 mới ban hành được 13/30 nghị định.

Với vai trò là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Chính phủ cũng có phần trách nhiệm khi trình Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội thông qua các dự án luật, pháp lệnh có quy định về tổ chức bộ máy, biên chế nêu trên.

Đáng chú ý là Chính phủ, Thủ tướng ban hành 30 văn bản có làm phát sinh tổ chức bộ máy hoặc biên chế, trong đó có những văn bản làm tăng bộ máy và biên chế,...

Đoàn giám sát cũng cho biết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành 9 văn bản làm phát sinh tổ chức bộ máy và biên chế. Trong đó đặc biệt là việc trình ban hành văn bản quy định chuyển các cơ sở giáo dục bán công thành công lập làm tăng nhiều biên chế. Một số bộ đã ban hành các thông tư, thông tư liên tịch quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp Sở, cấp huyện thiếu thống nhất với văn bản của Chính phủ, không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho các địa phương.

Đoàn giám sát cho rằng cần quan tâm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để bảo đảm được cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội để có thể yên tâm công tác, cống hiến cho xã hội.

P.Thảo