Sắp xếp bộ máy tinh gọn sẽ “ra tiền, ra gạo”
(Dân trí) - “Có tranh biếm hoạ người dân cầm cặp hồ sơ đi vào làm việc nhưng đến ngơ ngác vì không biết tìm người nào làm việc, vì toàn Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Cục phó, Trưởng phòng, Phó phòng. Toàn thấy lãnh đạo chứ không tìm ra ông chuyên viên nào”- TS Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Điều lệ (Ban Tổ chức Trung ương) nói về sự cấp bách của tinh gọn bộ máy.
TS Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Điều lệ - Ban Tổ chức Trung ương đánh giá Nghị quyết số 18-NQ/TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã thẳng thắn chỉ ra rằng qua nhiều lần sắp xếp tổ chức bộ máy, qua nhiều lần tinh giản biên chế và kiện toàn nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu.
Ông Hà trăn trở: “Ở địa phương 1 Sở có 44/46 lãnh đạo, trên này cũng thế, có Cục, Vụ toàn làm lãnh đạo hết, chẳng có ai là nhân viên cả. Thế nên mới có tranh biếm hoạ người dân cầm cặp hồ sơ đi vào làm việc nhưng đến ngơ ngác vì không biết tìm người nào làm việc, vì toàn Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Cục phó, trưởng phòng, phó phòng. Toàn thấy lãnh đạo chứ không tìm ra ông chuyên viên nào”.
- Thảo luận tại Quốc hội tuần vừa qua, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói nếu giảm chi thường xuyên khoảng 1% sẽ tiết kiệm được 10 nghìn tỷ. Ông có thể nói thêm vài số liệu về chi thường xuyên mà ngân sách đang phải gánh hiện nay và làm sao để giảm mạnh chuyện này?
- Có nhiều cách giảm chi thường xuyên. Ví dụ, nếu nhập được 100 xã thì được bao nhiêu biên chế, bao nhiêu chi thường xuyên, nhập được mấy huyện nữa thì ra được số tiền.
Thứ hai, giảm được số lượng lãnh đạo cấp phó sẽ giảm được xe, trụ sở, phụ cấp và rất nhiều nữa.
Thứ ba, mấy nhiệm kỳ gần đây, xu hướng số lượng cấp uỷ tăng lên, Trung ương cũng thế. Nếu cấp uỷ xã giảm đi được mấy người, ví dụ giờ tối đa 15 thì sau này cho 11 thôi, cấp huyện tối đa 39-41 thì tới đây cho 29-31 thôi, cấp tỉnh trung bình 55 giờ cho 45 thôi, cần gì lắm thế. Đó là chưa tính Trung ương.
Cùng với đó, cộng với đại biểu HĐND xã giảm đi mấy người, HĐND huyện, tỉnh cũng giảm được mấy người, nếu giảm được tỷ lệ thích hợp thì riêng tiền phụ cấp cho các uỷ viên, đại biểu HĐND xã huyện, tỉnh thì 1 năm phụ cấp cho các chức danh này đã gần 1.000 tỷ rồi. Đó chỉ là tiền phụ cấp, còn tài liệu, họp hành, liên hoan...
Nếu thực hiện tốt nghiêm túc Nghị quyết này thì sẽ ra tiền, ra gạo. Chất lượng hoạt động của bộ máy đặt lên hàng đầu nhưng trong lúc khó khăn thế này không thể không tính đến đồng tiền bát gạo được.
- Nhưng thưa ông, tâm lý các Bộ ngành, địa phương chỉ muốn thêm chứ không muốn bớt. Thực tế rất nhiều dự Luật hiện nay vẫn đề xuất tăng biên chế, thành lập mới các Cục, Vụ?
- Cái đó Nghị quyết đang nói sửa, những Luật nào liên quan đến tổ chức bộ máy thì mới nói đến tổ chức bộ máy, những Luật chuyên ngành không động chạm gì đến tổ chức bộ máy mà anh cứ quy định bao nhiêu Vụ, bảo nhiêu Phòng, mỗi đơn vị biên chế là bao nhiêu, thế thì chết dở, sẽ phá nhau ngay. Tới đây phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật đó, nếu không sẽ vướng.
Nếu thành lập bộ máy từ cấp Cục, Vụ trở lên thì phải xin ý kiến Bộ Chính trị, khắc phục tư duy cục bộ của các bộ ngành. Dứt khoát phải cắt bỏ trung gian, cái gì mà hai nơi cùng làm thì nhập lại là một.
Lần này quy định số lượng tối thiểu để lập cấp Phòng, cấp Vụ là bao nhiêu, không thể có tình trạng 1 Vụ có 4 người gồm 1 Trưởng 3 Phó. Và dứt khoát trong Vụ không lập Phòng. Còn ở Trung ương nếu muốn bổ sung thêm 1 Cục, 1 Vụ thì phải xin ý kiến Bộ chính trị chứ không thể tự vẽ ra được, lần này có chế tài quyết liệt hơn và chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương.
Rồi giảm cấp phó. Quy định 15 người một phòng, nếu 7 người 1 phòng chỉ được 1 phó, 11 người thì được 2 phó, bao nhiêu người 1 phòng tối đa cũng chỉ được 3 phó. Một tỉnh có 15 Sở, mỗi Sở được 3 cấp phó, tức là 1 tỉnh có 15 sở thì được giao 45 cấp phó, sau đó trao quyền này cho cấp tỉnh để họ tự phân bổ, như vậy vừa chủ động vừa sát thực tiễn.
Rồi hàm trên các cơ quan Trung ương phải khắc phục chuyện lạm dụng, lúc đầu hàm là đúng nhưng sau nới lỏng, vận dụng nhiều quá làm méo mó đi. 1 Vụ có 1 Vụ trưởng mà 6 ông hàm Vụ trưởng thì không được.
Rồi giảm được cấp Thứ trưởng, Tổng cục, Cục thì giảm được nhiều lắm. Đó là tiền đấy chứ gì nữa, tiền chứ có phải lá đa đâu.
Sắp xếp bộ máy vừa để hiệu lực, hiệu quả bộ máy nâng lên nhưng nó tiết kiệm chi thường xuyên, chi cho con người, thế mới có tiền cải cách nâng tiền lương, chi cho đầu tư phát triển.
Tinh giản 400 nghìn người
- Tinh giản bộ máy động chạm đến lợi ích nên khá nhạy cảm. Làm sao đảm bảo hài hoà mục tiêu Nghị quyết đề ra mà không làm xáo trộn bộ máy?
- Quan điểm là vừa kế thừa, vừa ổn định, đổi mới và phát triển, chứ không phải quay ngoắt lại. Cái gì cũng phải có lộ trình.
Ví dụ kết thúc hoạt động của 3 Ban chỉ đạo (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) với 180 người, diện lãnh đạo thuộc Trung ương quản lý thì Trung ương phải tính toán xem đưa về đâu, còn từ cấp Vụ trở xuống thì phải bàn bạc để có cơ chế chính sách. Tổ chức con người không làm ào ào được.
- Vậy có thể xảy ra chuyện giải thể chỗ này, chỗ kia lại phình ra?
- Không, chỗ nào còn thiếu thì bố trí về, hoặc về những chỗ tự chủ thì không liên quan đến ngân sách.
Thực ra từ khi có Nghị quyết người ta nắm được tinh thần là đã không đẻ thêm bộ máy nữa. Biên chế công chức từ năm 2015 đến nay đã được kiểm soát và giảm, giảm theo đúng lộ trình. Hiện nay chỉ còn vướng chỗ tăng biên chế ở các đơn vị sự nghiệp công lập. So với các nước trên thế giới, lượng công chức trên đầu dân số của ta là trung bình thấp.
Nghị quyết này ra đời là có hiệu lực ngay rồi, nắm được tinh thần này nên nhiều địa phương đã chủ động thu gọn lại rồi. Đây là đề án công phu, toàn diện nhất từ trước đến nay. Đánh giá hết sức khách quan, trung thực, khẳng định thành tựu đã đạt được.
- Trung ương có đặt ra trách nhiệm với người đứng đầu các bộ ngành, địa phương không làm tốt công tác tinh giản bộ máy?
- Trung ương đã đặt ra cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở cơ quan tổ chức để phình biên chế. Còn trước hết khen thưởng những người làm tốt, coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ cuối năm, là tiêu chí bổ nhiệm, đề bạt.
- Tham gia xây dựng Nghị quyết số 18-NQ/TW, xin ông đưa ra con số khái quát về tinh giản bộ máy sau khi thực hiện nghiêm túc nghị quyết này?
- Hiện có khoảng 4 triệu người hưởng lương ngân sách, số lượng biên chế đến năm 2021 dứt khoát phải giảm tối thiểu 10% so với năm 2015, tức là giảm được khoảng 400 nghìn người.
Tất nhiên giảm được 400 nghìn người cũng phải có chế độ chi cho một vài thứ, nên nói một cách tuyệt đối chưa nói ngay được. Ví dụ, giờ kết thúc hoạt động của 3 Ban chỉ đạo có 180 người, nhưng tới đây chỉ có 20 người sắp về hưu nghỉ về nghỉ, còn 160 kia thì thực chất có khi 140 người về các chỗ khác, còn lại về mở công ty riêng, vào đơn vị sự nghiệp công lập... Như vậy nghĩa là không thể giảm hết được 180 biên chế.
Tới đây sắp xếp lại các tổ chức đơn vị hành chính quá nhỏ bé, manh mún, chia cắt, cứ giảm 1 xã thì giảm được bao nhiêu người và phụ cấp rồi. Nó là tiền cả chứ. Nhiệm kỳ tới mà giảm được cấp uỷ viên mỗi nơi một tí thì số lượng sơ sơ cũng được nghìn tỷ/năm.
- Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (ghi)