“Ai tài giỏi đến mức vẽ được quy hoạch tổng thể quốc gia cho 20-50 năm?”
(Dân trí) - “Làm quy hoạch tích hợp tổng thể kinh tế xã hội, bài toán dự báo trong 20- 50 năm, ai tài giỏi đến mức đó?”; “Lâu nay, chỉ có Đại hội Đảng toàn quốc mới làm, thông qua được quy hoạch tổng thể quốc gia”… Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng góp ý về dự thảo luật Quy hoạch đang gây nhiều tranh luận hiện nay.
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia Nguyễn Thành Hưng: Tham vọng quá lớn
Theo báo cáo mới nhất của cơ quan soạn thảo dự luật Quy hoạch tại Phiên họp thứ 8 của UB Thường vụ Quốc hội, luật này sẽ ảnh hưởng đến 32 luật. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đã tiến hành rà soát và thấy rằng, con số luật bị tác động, phải sửa đổi, bổ sung không chỉ dừng lại ở 32 mà phải lên tới hơn 50 luật.
Việc một đạo luật “phủ” lên rất nhiều đạo luật khác khiến chúng ta phải thay đổi, điều chỉnh đến hơn 50 luật, dù có luật thay đổi rất nhỏ, chỉ là câu chữ, nhưng cũng có thể dẫn đến sự thay đổi về điều khoản, chương, mục và hệ thống văn bản hướng dẫn đi theo như Nghị định, thông tư… thì phải cực kỳ thận trọng.
Để giải quyết vấn đề này, phải có cái nhìn khách quan từ các bộ quản lý hiện nay. Vì hơn ai hết, các bộ là nơi nắm rõ nhất hệ thống quy hoạch hiện nay thừa gì, thiếu gì và Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ cần loại bỏ bớt những quy hoạch thừa mà các bộ đang quản lý, còn những quy hoạch mấu chốt phải giữ lại. Khi đó, vai trò của Luật Quy hoạch sẽ thể hiện rõ nhất ở việc hệ thống, sắp xếp lại các quy hoạch theo thứ tự trước sau. Đấy là cách giải quyết căn cơ nhất.
Đặt một tham vọng quá lớn hoặc giải quyết quá lớn đồng bộ quy hoạch trong cả nước trong vài năm (theo dự thảo Luật là năm 2019, nghĩa là chỉ trong chưa đến 3 năm nữa) là rất khó.
Nên chăng, Luật Quy hoạch chỉ là luật khung, giống như UB Thường vụ Quốc hội đã từng chỉ đạo trong rất nhiều cuộc họp liên quan đến dự án Luật này, tức là chỉ cần sắp xếp lại các quy hoạch cho thật logic, loại bỏ quy hoạch thừa, cấu trúc lại để hệ thống quy hoạch không còn trùng lặp, tận dụng tốt các quy hoạch đang có giá trị rất cao về mặt thực tiễn thì hiệu quả của luật sẽ đi sâu vào thực tế. Nếu Luật Quy hoạch muốn đi sâu quá vào vấn đề kỹ thuật, tôi e rằng sẽ có những vướng mắc về sau.
Hiện nay, thế giới đang làm quy hoạch và hệ thống quy hoạch theo hướng mở, tức là quy hoạch trên chỉ đặt ra những cái “khung”, tạo điều kiện cho quy hoạch dưới phát triển. Quy hoạch dưới phát triển sẽ phản hồi lại để quy hoạch trên điều tiết. Tất cả những điều tiết này phải cực kỳ linh hoạt. Điều này sẽ bảo đảm chiến lược để phát triển một lãnh thổ lớn nhất, tốt nhất, nhanh nhất. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Quy hoạch mới nhất thì có một số nội dung mà tôi cảm thấy chưa thể yên tâm.
Bản chất của hoạt động quy hoạch là bài toán của dự báo, có thể là dự báo trong 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm. Không một ai có thể tài giỏi đến mức dự báo được cho sự phát triển tổng thể quốc gia chính xác cho khoảng thời gian dài như thế. Mặt khác, chưa chắc là quy hoạch của cấp trên đã đúng hơn, mà có khi quy hoạch cấp dưới mới “trúng”.
Nguyên Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Chỉ Đại hội Đảng toàn quốc mới làm được quy hoạch tổng thể quốc gia
Dự thảo Luật Quy hoạch đề cập vấn đề sắp xếp không gian kinh tế - xã hội. Nói như vậy là không chuẩn. Sắp xếp, bố trí chỉ dùng trong quy hoạch vật thể. Khái niệm tích hợp cũng là một thuật ngữ mới nhưng lại không có điều khoản nào trong dự thảo Luật đề cập việc xử lý các quy hoạch hiện hữu và thực hiện quy hoạch tương lai.
Nếu giải thích “tích hợp” là đồ án quy hoạch do Bộ Xây dựng làm rồi đưa sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định thì không ổn. Bản chất đồ án được làm thế nào, đi vào cuộc sống hay không, tác động thế nào đến người dân chứ không phải quy hoạch ấy chưa được tích hợp, bây giờ phải đưa về Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hoặc phê duyệt lại. Dự thảo cũng không có điều khoản nào giải thích về khái niệm “tích hợp”.
Thực tế hiện nay, quy hoạch 63 tỉnh, 16 vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu chiếu theo dự thảo luật Quy hoạch thì các đồ án này chưa được tích hợp thì xử lý thế nào? Kế hoạch thẩm định và phê duyệt lại phải thế nào? Câu chuyện này phải suy nghĩ, cân nhắc.
Về quy hoạch tổng thể quốc gia, cần lưu ý rằng, lâu nay, chỉ có Đại hội Đảng toàn quốc mới làm được quy hoạch này. Bao nhiêu người, bao nhiêu năm soạn thảo rồi tới Đại hội Đảng toàn quốc mới thông qua được. Tư vấn không thể làm được quy hoạch tổng thể quốc gia ấy.
Dự thảo Luật Quy hoạch nói là phải tổ chức đấu thầu cho tư vấn làm nhưng lại không nói gì đến chủ thể là bên tư vấn này mà toàn nói do cơ quan nhà nước làm. Quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng cũng không quy định cơ quan nào tổ chức lập, chỉ đưa ra quy định Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là người chỉ đạo tổ chức lập. Nếu Thủ tướng, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa lập vừa thẩm định thì rõ ràng là không hợp lý.
PGS.TS Đỗ Tú Lan - nguyên Phó Viện Trưởng Viện Quy hoạch Phát triển đô thị nông thôn: Cẩn trọng việc bãi bỏ số lượng lớn quy hoạch đã làm
Nếu thực hiện như quy định tại dự thảo Luật Quy hoạch, nghĩa là trên thực tế sẽ bãi bỏ hoặc điều chỉnh một số lượng rất lớn các quy hoạch xây dựng đã và đang được thực hiện, có thể dẫn đến sự lúng túng, mất rất nhiều công sức, nguồn lực, thời gian và có thể tác động tiêu cực và có nhiều hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo đề xuất 4 nhóm loại: Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia.
Dự thảo Luật quy hoạch mới chỉ giải quyết được những vấn đề vĩ mô theo kiểu quy hoạch kinh tế-xã hội trước đây mà không hiểu các vấn đề có tính kỹ thuật và khoa học đối với việc quy hoạch những không gian có điều kiện địa hình và những liên kết các công trình vật chất cụ thể.
Về việc phân vùng để lập quy hoạch, đây là vấn đề rất cần làm rõ hơn, nếu phân theo kiểu kinh tế, xã hội như trước đây (6 vùng kinh tế) thì tất cả khu vực duyên hải từ Bắc đến Nam quy thành một vùng kinh tế thì việc quy hoạch vùng là bất hợp lý. Vì việc quy hoạch vùng đối với ngành xây dựng, môi trường hay thuỷ lợi cần thiết phải xem xét và thiết kế cho một vùng sinh thái có các giải pháp công trình thượng lưu và hạ lưu, việc phân bố dân cư hợp lý giữa không gian địa hình khác nhau, phối kết hợp các hoạt động kinh tế khác nhau…
P.Thảo (ghi)