1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ, Trung đạt thỏa thuận quan trọng về biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Gạt sang một bên gần 20 năm bất đồng về biện pháp chống biến đổi khí hậu, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận trong nỗ lực giảm thiểu khí thải nhà kính.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Bắc Kinh.
 
Một thông báo chung bất ngờ tại Bắc kinh ngày 11/11 giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết rằng hai bên sẽ tăng cường nỗ lực để đi đến một thỏa ước về khí hậu toàn cầu vào cuối năm tới tại Paris.

Thỏa thuận này cũng nhấn mạnh đến những nỗ lực của cả Bắc kinh và Washington tìm ra những chủ đề mà hai bên có thể cộng tác trong tình hình hai bên đối địch về chiến lược và quân sự ngày càng tăng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Mỹ cho biết nước này dự định đến 2025 sẽ giảm thiểu khí thải tới 28% lượng khí thải so với mức 2005, còn Trung Quốc thì nói nước này dự kiến lượng khí thải của họ sẽ chạm đỉnh điểm vào 2030, tuy họ sẽ cố đưa đỉnh điểm lượng khí thải này xảy ra sớm hơn. Trung Quốc cho biết thêm họ cũng sẽ nâng cao tỷ trọng nhiên liệu không hóa thạch trong hỗn hợp năng lượng của họ lên 20% vào 2030.

Cho dù thỏa thuận này đánh dấu một bước thay đổi đáng kể trong nhiều năm đầy những cuộc thương lượng về khí hậu, các chuyên gia cho rằng quy mô các mục tiêu thấp hơn mức mà nhiều người đã mong đợi ở hai nền kinh tế lớn nhất này.

“Cho dù các mục tiêu không nhiều tham vọng như nhiều người mong đợi, song hai nước thải lượng cacbon nhiều nhất thế giới nay đã cùng nhau có những cam kết nghiêm túc", Bob Perciasepe, chủ tịch một tập đoàn luật sư Mỹ, Trung tâm giải pháp vầ khí hậu và năng lượng, cho biết.

Sự việc này sẽ góp phần thu hút các nước khác vào cuộc và nâng cao khả năng sẽ có được một thỏa thuận toàn cầu vững chắc trong năm tới tại Paris.

Tình trạng không đạt được nhất trí giữa hai siêu cường, có lượng khí thải gộp chung gần bằng tổng lượng khí thải của phần còn lại của thế giới, đã làm thất bại mọi nỗ lực đi đến một thỏa thuận về khí hậu toàn cầu, trong đó có hội nghị cấp cao Copenhagen năm 2009.

Quan chức hai nước đã lặng lẽ có những cuộc đàm phán chi tiết trong năm nay về hạn chế lượng khí thải của mỗi nước sinh ra từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, điều mà các nhà khoa học khuyến cáo phải giảm dần nhằm tránh một sự biến đổi khí hậu nhiều khả năng không thể đảo ngược.

Gần 20 năm thương lượng về biến đổi khí hậu toàn cầu cho đến nay vẫn không ngăn cản được nồng độ khí nhà kính trong khí quyển tăng lên tới mức độ chưa từng có trong ít nhất 800.000 năm.

Cách đây 3 năm, lãnh đạo gần 200 nước đã thỏa thuận sẽ ký kết một hiệp định vào cuối năm tới tại Paris có thể thay thế thỏa ước Kyoto 1997, bản thỏa ước duy nhất trên thế giới ràng buộc về pháp lý trong việc cắt giảm khí thải.

Cho đến nay, mới có Liên minh châu Âu nói rõ họ sẽ sẵn sàng cam kết những gì tại Paris. Tháng trước, EU đã thỏa thuận đến 2030 sẽ cắt giảm khí thải chung của khối này ít nhất 40% con số năm 1990.

Hoàng Cường
Theo FT 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm