Nể phục nghị lực vượt khó của VĐV khuyết tật Nguyễn Bá An

(Dân trí) - Đến với thể thao trong hoàn cảnh bệnh tật éo le, nhưng với nghị lực mạnh mẽ anh đã gặt hái nhiều thành công, đặc biệt là sau Đại hội thể thao, (ASEAN Para Games 6 - Indonesia), cái tên Nguyễn Bá An là niềm tự hào của người dân TP Đà Nẵng.

Con người của nghị lực

 

Vận động viên khuyết tật Nguyễn Bá An (41 tuổi), sinh ra tại Thừa Thiên Huế nhưng lớn lên tại TP. Đà Nẵng. Là một trong những vận động viên khuyết tật tài năng nhất mà TP. Đà Nẵng sở hữu. Mang trong mình mức thương tật 10/4 là hệ quả căn bệnh sốt bại liệt khi mới 3 tuổi, từ đó đến nay anh xem chiếc xe lăn là bạn tri kỷ trên mỗi chặng đường. Bệnh tật giày vò thể xác, đi đứng khó khăn nhiều lúc khiến anh không phải là “chính mình”.

 

Nhưng với nghị lực vượt khó, sự động viên, giúp đỡ từ gia đình, bạn bè đã biến anh từ một “phế nhân” thành người có ích cho xã hội. Tại Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games 6 - Indonesia) vừa rồi, anh An xuất sắc đoạt 1 HCB đôi Nam và 1 HCĐ đồng đội Nam ở nội dung bóng bàn.

 

Anh An tâm sự: “Mang trong mình căn bệnh bại liệt, tôi biết cơ hội lành lặn như người bình thường là rất khó, gia đình chữa trị nhiều nơi tốn kém nhưng số tôi nó thế, được các Bác sĩ tại Trung tâm chỉnh hình hồi phục chức năng TP. Đà Nẵng tư vấn, tôi chuyển sang tập thể thao để rèn luyện sức khỏe hồi thanh niên. Ban đầu tôi tập các môn thể thao như điền kinh, ném tạ, tennis mãi đến năm 2007 tôi mới chuyển sang chơi bóng bàn”.

 
 
Nể phục nghị lực vượt khó của VĐV khuyết tật Nguyễn Bá An - 1

VĐV khuyết tật Nguyễn Bá An bên bộ thành tích huy chương qua các kỳ thể thao
 

“Tập thể thao với người khuyết tật quả thực rất khó, bóng bàn lại càng khó khăn hơn. Tập bóng thì không sao, khâu nhặt bóng mới đáng ớn. Chật vật trên chiếc xe lăn, loay hoay bên này, bên nọ để nhặt lại những quả bóng thật khó khăn vô cùng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất thiếu thốn, dụng cụ, sân bãi không có phải đi thuê.

 

Khó khăn là vậy, tôi thầm nhủ phải nỗ lực hết sức, dù thế nào cũng không bỏ cuộc. Đầu năm 2011, CLB TDTT phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) ra đời, cùng sự hướng dẫn nhiệt tình của HLV Nguyễn Văn Minh nên cũng bớt khó khăn hơn”, anh An chia sẻ.

  

Khi được hỏi động lực nào đã giúp anh vượt mọi khó khăn để đạt thành tích đáng nể như hiện tại, mắt sáng rực lên, anh nói: “Với tôi động lực lớn nhất là vừa thỏa mãn đam mê thể thao lại vừa giúp đỡ những người khuyết tật cùng chơi. Tôi quan niệm rằng, con đường hòa nhập xã hội với người khuyết tật thông qua thể thao là con đường ngắn nhất. Bóng bàn là môn thể thao có tính đối kháng rất cao, qua đó tạo cho người khuyết tật một ý chí mạnh mẽ để vươn lên trong cuộc sống”.

 

Vận động viên khuyết tật toàn năng

 

Từ những ngày đầu chập chững bước vào làng thể thao người khuyết tật, anh vui mừng khôn xiết khi đoạt 3 tấm huy chương đầu tay tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 1999, đến nay số huy chương anh sở hữu đã là 28 (8HCV, 12 HCB, 8 HCĐ) ở mọi cấp độ trong nước và khu vực.

 

Đáng nói, thành tích đó gồm nhiều bộ môn thể thao khác nhau, từ điền kinh, tennis, bắn súng, đẩy tạ… anh An đều có huy chương. Với một người khuyết tật, đây quả là thành tích đáng nể. Đó là những tấm huy chương vô cùng ý nghĩa, không chỉ khẳng định tài năng mà còn cho thấy sự bền chí, tinh thần khắc phục khó khăn vượt lên số phận của một người khuyết tật.

  

Anh An bày tỏ: “Có được thành tích đó, tôi muốn gửi lời cám ơn đến các thầy - những người đã đã giúp đỡ, chỉ bảo tận tình khi tôi chập chững bước vào luyện tập thể thao. Tôi muốn gửi lời cám ơn đến các nhà Mạnh thường quân đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời gian qua”.

 

Anh An lập gia đình năm 2004, hiện đang sống hạnh phúc cùng vợ và hai con tại P. Chính Gián, Q. Thanh Khê (TP. Đà Nẵng). Ngoài thể thao, anh An cho biết công việc dạy đàn Ghita, Organ và trồng cây cảnh của anh cũng cho thu nhập khá.

 

Viết Hảo