Nỗi đau bóng đá đất Bắc!

<P class=MsoNormal style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - Hôm qua dân ghiền bóng được xem một trận cầu hay và đội bóng trẻ khoác áo Quốc gia đã hạ ngọt đối thủ bằng một lối chơi tấn công rất “nét”. Nhưng vẫn có một tiếng thở dài dành cho làng cầu đất Bắc, vốn là cái nôi của nhiều lò bóng lẫy lừng.</P>

Trong danh sách 20 cầu thủ của đội U21 Việt Nam, chỉ có Đình Tùng có chút liên hệ với bóng đá miền Bắc. Tùng “con” là người Thanh Hóa. Những gương mặt còn lại đều từ Đà Nẵng trở vào, chỉ lèo tèo vài cái tên đến từ ‘lò” Sông Lam, “lò” Huế nhưng vai trò của họ cũng chỉ là dự bị.

 

Dễ hiểu, bóng đá xứ bắc chỉ có Nam Định lọt tới VCK giải U21, và cũng bị loại sớm, còn lại là sân chơi của bóng đá miền Trung và miền Nam. Đó thực sự là một cái tát vào mặt nền bóng miền Bắc, nơi có nhiều trung tâm bóng đá trẻ nổi tiếng trong quá khứ như: Thể Công, Nam Định, Hải Phòng.

 

Nhìn rộng ra, ở V-League cán cân quyền lực cũng đang nghiêng vào phía Nam rõ rệt. Ngoài XM.Hải phòng gây đình đám, 2 “gã nhà giàu” đất Hà thành xuống hạng, Thể Công vẫn chưa tìm quá khứ vinh quang còn những Nam Định, Thanh Hóa đang thể hiện biểu đồ đi xuống thấy rõ.

 

Nếu nói bóng đá chuyên nghiệp là tiền thì chưa chắc các đội bóng phía Bắc đã kém cạnh đối thủ phía Nam. Trời Nam có Bình Dương, HA.GL, ĐT.LA thì đất Bắc cũng không thể không kể tới XM. Hải Phòng, V.Ninh Bình, T&T và cả Hòa Phát HN. Đó là “lớp người giàu mới” của bóng đá phía Bắc, nơi báo chí tốn nhiều giấy mực với những cuộc chuyển nhượng bạc tỷ, cả thực và ảo.

 

Nhưng rốt cục, khi bóng đá miền Nam cứ một ngày một khởi sắc và thống trị V - League. Đã 6 - 7 năm nay túc cầu miền Bắc vẫn ậm ịch, thậm chí đi lùi với sự sa sút và đổ vỡ của hàng loạt biểu tượng bóng đá một thời vang bóng.

 

Có vẻ như, cái khác biệt nằm ở chính ý thức chuyên nghiệp và cái cơ chế tạo nên cách làm bóng đá chuyên nghiệp. Hầu tất các CLB (hạt nhân của bóng đá chuyên nghiệp) ở phía Bắc đều có tư tưởng ăn xổi, chồng tiền mua cầu thủ nổi danh để nhanh chóng “lấy số” trong làng bóng cũng như trên thương trường.

 

Trong khi các đội bóng “ăn cơm sở, uống nước ngành” vẫn bị cái cùm cơ chế đè nén giữa môi trường chuyên nghiệp. Những CLB được gắn “đầu tàu” doanh nghiệp lại tập trung vào thành tích, nên chẳng màng gì chuyện đào tạo trẻ.

 

Nó khác với cái cách mà Thành Long hay HA.GL làm bóng đá, nó cũng rất khác với cái cách bóng đá miền Tây đi lên bằng đồng tiền ít ỏi. Dù đến giai đoạn “hậu tuổi U”, chính bóng đá miền Tây lại trở thành nạn nhân của nền bóng mạnh gạo, bạo tiền.

 

Nỗi đau của bóng đá miền Bắc cũng là nỗi đau của cách làm bóng đá nghiệp dư lắm tiền!

 

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm