Giấc mơ sạch…
<P>(Dân trí) - Ông Chủ tịch VFF nhân ngày đầu năm tuyên bố: “Mùa giải 2007 sẽ sạch từ trên xuống dưới”. Ấy vậy mà cái sự sạch đó đã lung lay như răng ông cụ 80 chỉ sau mấy vòng “rô-đa”.</P>
1. Sau trận “derby Hải Vân” nhạt thếch, có người đã cười ý nhị về mối thâm giao hữu hảo của những người anh em, cũng có người nhỏ to về một cuộc chiêu đãi vui vẻ giữa chủ và khách trong một nhà hàng có tiếng ở xứ Huế. Lại có người buồn thiu kết luận: derby Hải Vân chỉ còn là hoài niệm.
Sau cú lội ngược dòng nước kỳ diệu và kỳ lạ của đội bóng Cố đô trên “đất thánh” Vinh, không ít điều tiếng xì xầm về những cái nhìn ngang liếc xéo đầy nghi kỵ giữa những người nhà xứ Nghệ.
Đến vòng 4, những dấu hỏi, dấu lặng nặng nề được đặt ra quanh sự “hồi sinh” của “Chelsea” Bình Dương, trong đó có đóng góp không nhỏ của sự nóng nảy và hớ hênh lạ thường (chứ không dám nói: bất thường) của hàng thủ ĐT.LA.
Ít người nói đến, nhưng người viết thì cứ ám ảnh đến mất ăn mất ngủ về ánh mắt của HLV trẻ Hoàng Văn Phúc sau trận hoà bi kịch với H.Thanh Hoá. Ông khoanh tay đứng khựng người ở bìa sân, mắt đăm đăm như soi từng biểu hiện nhỏ nhất trên mặt từng cầu thủ. Ông cứ thế đứng nhìn trân trối, như đau, như hờn, như tủi.
Ông chỉ bị đánh thức bởi một câu chửi của anh thủ môn già Việt Cường. Giữa rừng người, anh vứt găng, ném áo và nghiến răng buột miệng một từ mà khán giả Việt Nam đã đau, đã rùng mình và không bao giờ muốn nghe lại từ sau SEA Games 23. Ông Phúc chỉ kịp nhắc giật: “Cường! Cường!...” rồi im bặt, mặt không chuyển sắc, hai tay vẫn đan chéo trước ngực.
2. Người viết không có ý định liệt kê những trận đấu mà BHL, cầu thủ hay khán giả phản ứng với trọng tài. Đơn giản vì danh sách đó đã quá dài và đôi khi, những ông vua cũng chỉ là cái bình phong để người ta đánh lạc hướng dư luận.
Nhưng sự phản đối của khán giả Thanh Hoá hôm 24/3 thì có thể cắt nghĩa dễ dàng. Bóng chạm tay Sesay rất rõ ràng trong vòng cấm, ai cũng thấy chỉ mỗi trọng tài Vũ Bảo Linh không thấy. Còn HLV Vương Tiến Dũng (HP.HN) đến giờ vẫn còn tiếc vì bàn thắng sai luật của Elenildo vẫn được công nhận ngon ơ.
Ở hạng Nhất, đã có người bị treo giò xứng đáng vì đuổi đánh vua, còn việc khán giả mạt sát tập thể hoặc đòi BTC thay… trọng tài (như khán giả Hải Phòng trên sân Mỹ Đình hôm 17/3) đã trở thành chuyện cơm bữa.
Không nói việc “vua” bị đưa ra làm bia đỡ đạn, những phản ứng có-vẻ-hợp-lý như trên còn đặt ra câu hỏi về cái uy của người đại diện cho công lý trên sân. Có vẻ như, cái “hội chứng chửi” của mùa giải 2006 không những không mất đi mà còn được phát huy không ngừng trong điều kiện những “ông vua” còn quá non về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề.
3. Trong một môi trường mà (nếu đúng) như ông trưởng giải từng tâm sự: “Cái lý cần được thượng tôn” thì mọi cái sai đều cần được mổ xẻ và xử lý.
Nhưng nhìn vào những cái án đã, chưa hoặc không bao giờ được công bố thì có vẻ như nguyên tắc này chưa được tuân thủ như ông trưởng giải đã mong.
Có quá nhiều điều nhập nhằng trong cách xử phạt và cách tuyên bố án phạt.
“Người ta” có thể điểm mặt chỉ tên vài người và siết thật nặng tay và lờ tịt những người còn lại một cách vô tình hay hữu ý. Như vụ xô xát ở Gò Đậu, việc hàng loạt cầu thủ và cả một vài “người lớn” ở đội ĐT.LA đều nhiệt tình tham gia nhung cuối cùng chỉ có “tốt đen” Việt Thắng và Calisto (vốn đã có “tiền án”) bị đẩy lên giàn thiêu.
“Người ta” tuyên bố rộng rãi án phạt dành cho những người chống lại “vua”, định (hoặc đã) hành hung “vua” nhưng lại thu thu giấu giấu những án phạt đối với chính những ông “vua” và lý giải theo kiểu “cứ thấy ai không bắt vòng tiếp theo hoặc từ hạng trên chuyển xuống hạng dưới là biết bị kỷ luật”. Như thế thật chẳng khác nào việc quan toà đóng cửa xử một mình với lý giải nếu ngày mai thấy đám ma thì biết toà đã tuyên án tử hình.
Tất nhiên ai kỳ công thì cũng không khó nhìn thấy, nhất là khi cái “cơ chế” người bít kẻ mở vẫn tạo điều kiện cho các “tin cấm” lọt ra ngoài theo đường không chính thức. Nhưng đó không phải là cách làm minh bạch và sòng phẳng với một việc cần sự minh bạch và sòng phẳng.
“Người ta” khẳng định bây giờ đã qua cái thời “đè ngửa” đội bóng ra mà phạt khi không có chứng cứ, nhưng lại thú thực rằng không quản lý nổi những cuộc tiếp xúc, đàm thoại… trong những thời điểm nhạy cảm - những việc làm có thể mang hoặc dẫn đến chứng cứ.
Cho nên dư luận, và tin chắc là không ít người trong cuộc, đã “ngửi” thấy cái mùi của bóng đá thời bao cấp trong vài trận đấu nhưng vẫn có những bản báo cáo tròn vo và những cái lắc đầu bất lực vì thiếu chúng cứ.
Và cái giải mới đi được 4 vòng đấu đã phải quay cuồng trong hàng loạt chuyện nước hến, trong cái lỗ hổng to giữa những nguyên tắc cần được thượng tôn và khả năng quản lý, điều hành làm sao để những nguyên tắc đó không phá hỏng cuộc chơi.
Thật đáng buồn nếu những người làm bóng đá chỉ biết mơ những giấc mơ sạch.
Và như thế, bóng đá sạch cũng như rừng mơ phía trước!
Hồng Kỹ