Ý thức đáng giá bao nhiêu?
(Dân trí) - Ý thức đáng giá bao nhiêu? Không phải chỉ vài triệu đồng tiền phạt đâu, mà còn là sức khỏe và tính mạng, các bạn ạ!
Tôi sống ở thành phố Vinh (Nghệ An). Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy dịch Covid-19 lại gần đến vậy. Cứ mỗi một ngày, CDC Nghệ An lại thông báo có thêm những ca nhiễm mới, tuy con số không gây bàng hoàng như Bắc Ninh hay TPHCM, nhưng cũng đủ khiến mỗi người dân lo ngại và tự thấy rằng sự cẩn trọng không bao giờ thừa.
Từ 0h ngày 17/6, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15. Những tuyến phố trở nên vắng lặng. Nhiều hộ dân cửa đóng, then cài, việc thăm hỏi trở nên hạn chế. Tôi thậm chí đã không dám đưa các con về quê theo như lịch hẹn, vì điều đó, dù không vi phạm quy định chống dịch (nếu khai báo y tế trung thực) nhưng việc di chuyển ở thời điểm hiện tại có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
Trong đợt bùng dịch lần thứ 4 này ở nhiều địa phương, tình trạng F0 xuất hiện không xác định nguồn lây không còn là hiện tượng cá biệt, cũng có nghĩa là dịch đang len lỏi trong cộng đồng một cách âm thầm.
Tại TPHCM, CDC khuyến cáo: "Những người chúng ta tiếp xúc hàng ngày có thể một ngày nào đó trở thành F0 hoặc chính chúng ta trở thành F0 gây lây nhiễm cho những người xung quanh. Do đó, trong thời gian này, khi tiếp xúc trực tiếp với một ai đó, hãy xem họ như một F0 để thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh".
Cách nói này nhằm nhấn mạnh rằng, hơn lúc nào khác, mỗi người dân cần phải cảnh giác hơn nữa với dịch bệnh trong cộng đồng. Việc đeo khẩu trang, tạo khoảng cách trong tiếp xúc, hạn chế di chuyển… không nhằm tạo ra nghi kỵ mà ngược lại là đảm bảo an toàn và thể hiện sự tôn trọng với chính người đối diện.
Tôi không đồng tình việc để rò rỉ và lan truyền thông tin cá nhân của bệnh nhân Covid-19 nhằm tạo nên những cuộc tấn công trên mạng xã hội, qua đó gián tiếp khiến các F0 chịu áp lực lớn, dẫn đến khai sai lịch sử tiếp xúc.
Sự nguy hiểm của các biến chủng vi rút SARS-CoV-2 có thể khiến bất cứ ai trong chúng ta là F0, người bệnh đó chính là nạn nhân của Covid-19 và bởi vậy, họ cần được động viên nhiều hơn là bị phán xét.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một khi biết mình đã mắc bệnh hoặc trở thành F1, F2 mà cá nhân vẫn không chịu tuân thủ quy định phòng chống dịch thì ngoài bị xử lý theo quy định pháp luật sẽ không thể tránh khỏi sự phán xét, chỉ trích của cộng đồng.
Có những hành vi không thể chấp nhận nổi, đáng bị lên án và cần phải bị chấm dứt. Lấy ví dụ như trường hợp vợ chồng ông L.A.T. (59 tuổi) và bà Đ.T.Th. (49 tuổi) - hai bệnh nhân Covid-19 ở Hải Dương mới đây đã bị xử phạt hành chính do hành vi bỏ khẩu trang, nhổ nước bọt xuống nền sân bệnh viện.
Ông T. bị phạt 4 triệu đồng còn bà Th. bị xử phạt 2 triệu đồng. Chưa đề cập đến mức phạt đã đủ sức răn đe hay chưa, nhưng hành vi thiếu tôn trọng, mang tính thách thức với những cán bộ y tế, gây nguy hiểm cho người khác như trên đã tự phản ánh sự thiếu tôn trọng đối với chính bản thân họ.
Dịch bệnh là tình huống bất khả kháng, chẳng ai mong muốn. Mỗi chúng ta đều mong dịch qua mau, được quay trở lại với trạng thái sống bình thường. Chúng ta mong muốn một thì cán bộ y tế và lực lượng trong tuyến đầu chống dịch còn mong muốn gấp mười.
Và như người viết đã nhiều lần đề cập ở mục Blog, trong khi còn chờ phổ cập vắc xin, công cuộc chống dịch cần sức mạnh tổng hợp, cần ý thức cộng đồng. Còn một bàn tay sẽ không thể vỗ thành tiếng, chỉ những nỗ lực một chiều từ cơ quan chức năng, từ lực lượng y tế không thể nào thực hiện được.
Đừng có những hành vi kém ý thức để rồi gây họa cho những người sống xung quanh và cũng đừng tự "bán rẻ" nhân cách bản thân chỉ vì bốc đồng mà gây lây lan dịch bệnh. Ý thức đáng giá bao nhiêu? Không phải chỉ vài triệu đồng tiền phạt đâu, mà còn là sức khỏe và tính mạng, các bạn ạ!