Ý kiến nhỏ về “văn hóa từ chức” và “chạy chức, chạy quyền”

(Dân trí) - Theo người viết bài này, muốn có “văn hóa từ chức” thì việc đầu tiên và tiên quyết, đó là ngăn chặn triệt để và thành công hành vi chạy chức, chạy quyền, phải không các bạn?

Ý kiến nhỏ về “văn hóa từ chức” và “chạy chức, chạy quyền” - 1

Đúng dịp Kỉ niệm lần thứ 128 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2018), Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đây có thể được coi là một cuộc cách mạng sâu rộng, vừa có tính thực tiễn, vừa có tính chiến lược về công tác cán bộ, một khâu rất quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay.

Do Nghị quyết thuộc tầm vĩ mô, đề cập đến nhiều vấn đề lớn nên trong bài viết này, chỉ xin lạm bàn về một ý nhỏ, đó là văn hóa từ chức và nạn chạy chức, chạy quyền.

Về vấn đề này, Nghị quyết 26 nêu rõ: Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.

Có thể nói từ lâu, cụm từ “văn hóa từ chức” đã được nhắc đến trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, tại nghị trường Quốc hội và cả các báo cáo, văn kiện…

Ở các quốc gia phát triển, việc từ chức nhiều khi vì những lý do rất đơn giản như sập một cây cầu, một vụ ngộ độc thức ăn tập thể, thậm chí chỉ một câu nói lỡ lời…

Song, ở Việt Nam ta nhiều năm qua, việc từ chức hầu như rất ít xảy ra và nếu có, phần nhiều ở dạng không từ chức không được. Nhiều khi, nó còn là một “phương cách” để trốn tội, thoát tội.

Vì sao vậy? Có rất nhiều lý do cả chủ quan, khách quan, tâm lý… nên người viết bài này cũng chỉ thử tìm hiểu một trong những nguyên nhân mà trong Nghị quyết đã nêu, đó là nạn chạy chức, chạy quyền.

Về vấn đề này, Nghị quyết 26-NQ/TW nêu rõ: “Nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hoá không chạy chức, chạy quyền”.

Theo người viết bài này, tình trạng chạy chức, chạy quyền là một trong những nguyên nhân khiến việc từ chức, từ nhiệm rất khó khăn bởi mấy lý do.

Thứ nhất, việc chạy chức, chạy quyền dù lấy danh hay lấy lợi thì thực chất là một “phi vụ” làm ăn. Nếu đã làm “làm ăn”, mua bán tất mục đích phải thu hồi cả vốn và lãi. Trong khi từ chức, tức là chấp nhận mất “cà chì lẫn chài”, cả vốn lẫn lãi. Đây là điều tối kị trong “thương trường”.

Thứ hai, việc bỏ vốn đầu tư có thể là một người nhưng có thể là một nhóm người. Ở những chức vụ “béo bở”, chắc chắn “giá” cũng phải cao, thậm chí rất cao, tức là phải huy động nhiều vốn để “đầu tư”.

Và khi đó, cái chức sẽ được coi như “tài sản” chung, được các “cổ đông” A,B,C… bỏ vốn “mua”. Xin mạo muội giả sử, cái “ghế” đó được đầu tư 10 tỉ đồng thôi chẳng hạn.

Nay “cổ đông A” mới thu được 1 tỉ đồng, “cổ đông B” 2 tỉ, “cổ đông C” 2 tỉ tức là mới “hoàn vốn” 50% mà giờ “từ chức” thì họ mất 50% số vốn (chưa tính lãi vì đây thuộc dạng “đầu tư mạo hiểm”). Và tất nhiên, họ sẽ không để cho ai đó “bỏ của chạy lấy người” một cách dễ dàng như vậy nên dù có muốn, nhóm lợi ích cũng không cho phép họ làm điều đó.

Có lẽ nhận thấy mối quan hệ này nên Nghị quyết nhấn mạnh: “Nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền”.

Vì thế, theo người viết bài này, muốn có “văn hóa từ chức” thì việc đầu tiên và tiên quyết, đó là ngăn chặn triệt để và thành công hành vi chạy chức, chạy quyền, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám