Xử lý người đưa hối lộ - Nên hay không?

(Dân trí) - Trong tình hình tham nhũng nghiêm trọng như hiện nay, theo mình có lẽ không nên xử lý người đưa hối lộ để khuyến khích người dân nói ra sự thật. Theo các bạn, có nên xử lý cả người đưa hối lộ như qui định hiện nay không?

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một lần nữa, câu hỏi có xử lý người đưa hối lộ hay không lại được đặt ra tại Hội thảo về phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức tại Hà Nội.

Đây đã và đang là câu hỏi nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau bởi thực tế, nếu không xử lý người đưa hối lộ thì không đúng luật mà xử lý thì sẽ không có ai dám đứng ra tố cáo.

Việc đưa và nhận hối lộ vốn là việc làm rất kín đáo, chỉ có người đưa và người nhận biết. Trong khi đó, một người không bao giờ nói ra còn một người thì không dám nói ra. Hậu quả là tệ nạn này tràn lan mọi nơi, mọi lúc nhưng rất ít vụ việc được đưa ra ánh sáng.

Vì vậy, có ý kiến còn cho rằng qui định xử lý người đưa hối lộ là rào cản,  thậm chí có thể còn là nguyên nhân khiến công cuộc phòng chống tham nhũng kém hiệu quả.

Trong khi Điều 289 Luật Hình sự 1999 của ta qui định hình thức cao nhất của tội đưa hối lộ là tử hình thì một số nước như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… không chỉ không xử lý người đưa hối lộ mà họ còn thưởng 20% số tài sản hối lộ để khuyến khích tố giác tội phạm.

Đây cũng là những nước được nhiều tổ chức quốc tế xếp ở nhóm minh bạch nhất, thậm chí thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng như Singapore.

Trong khi đó ở ta, nạn tham nhũng, hối lộ đã biến dạng hết sức tinh vi, thành “nghệ thuật” và đang được “hợp thức” như một nét “văn hóa độc đáo”.

Về bản chất, việc hối lộ thường ở mấy dạng: Tự nguyện, bắt buộc và gioa thoa giữa tự nguyện - bắt buộc.

Dạng tự nguyện ví dụ như doanh nghiệp hối lộ quan chức để giành công trình, dự án. Người bất tài dùng tiền để chạy chức, chạy quyền. Những kẻ làm việc sai trái chạy tội...

Dạng thứ hai là bị ép buộc hoặc bị đẩy tới tình thế bắt buộc phải hối lộ như người bệnh phải đưa phong bì cho bác sĩ nếu không thì không được chạy chữa kịp thời. Doanh nghiệp nông thủy sản phải hối lộ cho hải quan để kiểm tra nhanh không hàng hỏng. Lái xe chung chi cho cảnh sát giao thông nếu không muốn bị bắt lỗi.  Cán bộ cơ quan công quyền lợi dụng sự thiếu hiểu biết để hành dân…

Dạng thứ ba, kết hợp hai dạng trên. Người nhận không ép nhưng người đưa vẫn phải tự nguyện bởi nếu không đưa thì không được việc. Nhiều người phải đưa hối lộ vì những nhu cầu chính đáng như mong muốn con mình vào trường chuẩn, trái tuyến…

Vì vậy, những người ủng hộ phải xử lý người đưa hối lộ đưa ra lý do những người này (chủ yếu là ở dạng chủ động) cũng là tội phạm, thậm chí phải xử nặng hơn bởi chính họ đã lôi kéo người khác phạm tội. Phía không đồng tình thì cho rằng những người đưa hối lộ là nạn nhân (dạng bắt buộc) bởi họ bị đẩy tới con đường không thể làm khác…

Những lập luận trên đều có lý và không có bất cứ điều gì thỏa mãn tất cả mọi người, trong mọi trường hợp. Vì vậy, luật pháp cũng cần có sự linh hoạt trong từng sự việc cụ thể.

Theo mình, trong tình hình tham nhũng nghiêm trọng như hiện nay, có lẽ không nên xử lý người đưa hối lộ để khuyến khích người dân nói ra sự thật.

Theo các bạn, có nên xử lý cả người đưa hối lộ như qui định hiện nay không?

Bùi Hoàng Tám

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!