Xoá ám ảnh độc quyền

(Dân trí) - Buông tay của Nhà nước nhường sân cho tư nhân trong một số lĩnh vực, xoá đi nỗi ám ảnh độc quyền cũng là một trong những phương án thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển.

Xoá ám ảnh độc quyền - 1

Một sự kiện có quy mô và tầm ý nghĩa lớn lao đã diễn ra trong tuần này, ngay khi kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5: Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019.

Đây là một sự kiện mang tính thường niên, cho thấy vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân trở nên quan trọng. Từ nhiều năm nay, họ đã có cơ hội được đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, được bày tỏ nguyện vọng và nói lên tiếng nói của mình.

Thậm chí, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI trong sự kiện này còn mạnh mẽ đưa ra kiến nghị đối với Chính phủ, rằng phải xác định kinh tế tư nhân là “rường cột” của nền kinh tế nước nhà.

Vai trò, ý nghĩa của kinh tế tư nhân thực sự đến đâu cần được minh chứng, trả lời bằng thời gian. Nhưng nhìn lại chặng đường đã qua, đủ thấy đã có một bước tiến dài.

Từ chỗ chúng ta đặt kỳ vọng vào những “quả đấm thép” là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cho đến hiện nay, như ông Lộc nói: Chúng ta đã có một khu vực tư nhân đông đảo gồm hơn 700 ngàn doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 5,2 triệu hộ kinh doanh. Khu vực này đóng góp tới 40% GDP. Đất nước cũng đã có những tỷ phú Việt đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận.

Tôi sẽ không sa đà vào việc tranh cãi vai trò của khối doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân ai hơn ai kém, nhưng rõ ràng, để đánh giá được tính hiệu quả, cần phải đặt các doanh nghiệp trong một môi trường bình đẳng về mặt chính sách, minh bạch về mặt thông tin.

Những ngày gần đây, khi giá điện được điều chỉnh tăng, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Bên cạnh những tính toán cụ thể theo bậc thang, biểu giá, người tiêu dùng cũng đặt câu hỏi về việc họ có đang phải gánh lỗ luỹ kế cho EVN do những hệ quả của đầu tư ngoài ngành? Có phải trả vào hoá đơn tiền điện những chi phí “không liên quan” khác như xây biệt thự, chung cư, sân tennis… của lãnh đạo ngành này?

Về phía ngành điện, họ cũng nỗ lực để giải thích cho người tiêu dùng theo rất nhiều cách khác nhau. Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri còn nhấn mạnh trên tờ Tuổi trẻ ngày 3/5 rằng “giải tán EVN hoặc giải tán các doanh nghiệp nhà nước đang làm điện thì giá điện tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngay”.

Thế nhưng tôi tin rằng, ngay cả khi ông Tri nói vậy thì người tiêu dùng vẫn chẳng thể yên tâm. Bởi dù đánh giá cao việc cung cấp thông tin của EVN trong đợt tăng giá điện vừa rồi thì việc độc quyền bán lẻ điện vẫn sẽ “làm khó” cho EVN để nhận được sự đồng thuận và thông cảm từ khách hàng của họ.

Ít nhất là phải chờ đến năm 2021 khi bắt đầu thử nghiệm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và đến năm 2023 hoàn toàn là thị trường bán lẻ cạnh tranh, khi đó Chính phủ không phải can thiệp về giá, mà hoàn toàn do cung cầu quyết định thì người dân mới bớt… băn khoăn.

Và biết đâu, cũng như Petrolimex, khi cạnh tranh hơn, minh bạch hơn thì EVN lại hiệu quả hơn! Mới cách đây 4-5 năm, dày đặc khắp các mặt báo là thông tin thua lỗ của Petrolimex song, kể từ từ khi doanh nghiệp này rục rịch “lên sàn” cho đến nay, kết quả kinh doanh của Petrolimex “sang trang” với việc liên tục “phá đỉnh”.

Tôi còn nhớ rất rõ ngày 21/4/2017 đó là ngày Petrolimex chính thức được Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM chấp thuận niêm yết với mức giá 43.200 đồng/cổ phiếu. Đến nay, tức kết thúc phiên giao dịch 3/5, giá của PLX đã là 61.600 đồng và đây cũng không phải là mức đỉnh giá của mã này. Từng có thời kỳ, cổ phiếu PLX đạt trên 73.000 đồng.

Điều đó để thấy rằng, việc minh bạch hoá hoạt động của một doanh nghiệp từng là “thâm cung bí sử” chẳng những được lợi cho doanh nghiệp, cho Nhà nước, mà còn cho cả nhà đầu tư.

Và sự buông tay của Nhà nước nhường sân cho tư nhân trong một số lĩnh vực, xoá đi nỗi ám ảnh độc quyền cũng là một trong những phương án thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển.

Bích Diệp