Xin đừng mất niềm tin vào lớp trẻ!

(Dân trí) - Vừa rồi trên nghị trường, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, một trong những nỗi bất an lớn của ông chính là nỗi lo về giới trẻ hiện nay “không quan tâm đến chính trị, xem nhẹ lịch sử, sống thực dụng, không có lý tưởng phấn đấu, thờ ơ với thế cuộc...Nhân cách của lớp trẻ đang bị gặm nhấm và tha hóa”.

Xin đừng mất niềm tin vào lớp trẻ! - 1

Tôi hiểu rằng vị đại biểu tỉnh Bến Tre không có ý đánh đồng tất cả tầng lớp trẻ trong xã hội nhưng quả thực, vấn đề mà ông nói rất đáng suy ngẫm.

Kể cả khi không phải là một nghị viên, không phải là một chính trị gia thì bất cứ vị phụ huynh nào trong chúng ta khi nhìn vào con em mình với cảnh bạo lực học đường, đánh nhau hội đồng, văng tục chửi bậy trong các video clip phán tán tràn lan trên mạng, ai cũng đều lo lắng. Cứ vậy, làm sao không sốt ruột cho được khi thế hệ các em chính là tương lai gia đình, tương lai đất nước sau này?

Tất nhiên, bối cảnh hôm nay và mấy chục năm về trước có những điều khác biệt. Trong thời bình, khi vật chất, kinh tế đủ đầy, lý tưởng thuộc về mỗi cá nhân. Ai cũng phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc hành trình của mình, chứ không phải lúc nào, ở đâu cũng sẵn có những ý thức hệ mang tính chuẩn tắc mặc định cho cả một lứa thanh, thiếu niên trên cả nước.

Tôi cũng đã từng ngạc nhiên khi nhiều bạn trẻ dù đã ra trường, đi làm, nghĩa là bước vào độ tuổi trưởng thành, nhưng hầu như rất ít khi đọc sách, báo. Các bạn vẫn tất bật với điện thoại thông minh (smartphone), vẫn thường xuyên lướt mạng, nhưng là để chuyện phiếm, xem tin giật gân, câu khách: Bà này “đánh ghen”, ông kia “đánh vợ”, cô hoa hậu này xấu xí, chàng “soái ca” nọ đa tình… Đại loại là những vấn đề vô thưởng vô phạt như vậy.

Bối cảnh đó đã được một chàng ca sĩ trẻ gần đây gói gọn trong lời bài hát “Thật bất ngờ” mà có lẽ ai nghe xong cũng đều tủm tỉm cười về xã hội mà mình đang sống:

“Trên báo những thông tin chen nhau đi một hàng

Người đàn bà hở hang

Xong đến chuyện người thì nở nang

Xong đến chuyện mặt hàng thời trang

Lôi cuốn người người đọc vào ban sáng.

Cô ấy mới hôm qua không ai nhớ khuôn mặt

Chỉ một xì căng đan, khóc lóc về chuyện tình dở dang

Lên báo hình thì đầy một trang

Ôi dễ dàng để đời ta tươi sáng...”

Âu đó cũng là sở thích cá nhân, là… quyền của công dân - miễn rằng không ảnh hưởng tiêu cực đến ai, không gây hại cho người khác, và nếu như mang lại lợi ích cho cộng đồng thì càng tốt. Trong số hơn 90 triệu dân với trăm nghìn ngành nghề, lĩnh vực cuộc sống, sẽ có người quan tâm đến chính trị, đến những vấn đề quốc kế dân sinh, nhưng cũng sẽ có bộ phận những người khác chỉ dành đam mê cho thời trang, phim ảnh, thậm chí sống chỉ với duy nhất mục đích kiếm tiền, không quan tâm đến vấn đề gì khác. Thì có như thế mới là… xã hội!

Cũng không khó để hiểu về những điều mà giới trẻ bây giờ để tâm đến. Có thể thấy rất rõ trong xu hướng tìm kiếm trên Google, Facebook, Instagram, Youtube… Thế giới hiện đại mà ta sống kỳ thực rất “phẳng” và dễ dàng hiểu biết lẫn nhau. Và một điều thú vị tôi nhận thấy, là những người trẻ không phải không quan tâm đến chính trị hay quay lưng với thời cuộc.

Bằng chứng là rất nhiều người vẫn vô cùng háo hức về tin tức APEC. Trên mạng xã hội, tôi thấy họ chia sẻ thông tin - không chỉ là nhưng sự kiện bên lề (như chuyện phong cách, phương tiện di chuyển của từng nguyên thủ) mà còn họ còn quan tâm đến cả nội dung của những bài phát biểu, họ bình luận về các mối quan hệ, bày tỏ quan điểm về tương lai thế giới…

Công bằng mà nói, thế hệ trẻ của chúng ta có những người rất giỏi. Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu của mình cũng đánh giá “sinh viên, học sinh Việt Nam được xếp vào hàng những người trẻ ưu tú nhất thế giới”.

Vấn đề là chúng ta cần một môi trường để những người trẻ phát huy tối đa khả năng của mình để đóng góp vào sự tiến bộ của đất nước. Trong môi trường đó, tiếng nói của người trẻ được lắng nghe, tài năng người trẻ được trọng dụng và công nhận. Khi đó, tôi tin là chúng ta cũng sẽ có những lãnh đạo rất trẻ và nhiều phẩm chất tốt mà nhìn vào họ sẽ không còn ai băn khoăn về xuất thân “4 C” hay “ngũ ệ”.

Bích Diệp