Xin đừng để xảy ra “thêm chân cho rắn, thêm vuốt cho hổ”…

(Dân trí) - Nếu để “lọt lưới” những người tâm không sáng, tay đã nhúng chàm để rồi họ lại được trang bị kiến thức nữa thì hỡi ôi, khác gì… “thêm chân cho rắn, thêm vuốt cho hổ”. “Đội quân tham nhũng” hiện nay đã “phong phú” lắm rồi, xin đừng… bổ sung thêm nữa!

Xin đừng để xảy ra “thêm chân cho rắn, thêm vuốt cho hổ”… - 1

Một thông tin xôn xao dư luận, đó là ngày 2/8 vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và Phòng chống tham nhũng.

Ngay lập tức, thông tin trên tạo nên hai luồng ý kiến khác nhau: Đồng tình và không đồng tình. Về phía đồng tình, tất nhiên “chủ công” là phía ĐH QG HN cùng với một số nhà chuyên môn khác như TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra….

Về lý do đào tạo chương trình, GS. Nguyễn Đình Đức, đại diện ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết:

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm cho sự tham nhũng diễn ra ngày càng tinh vi hơn. Tất cả đã đặt ra yêu cầu trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực này ở Việt Nam nói chung, Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng” .

Trên báo Vietnam Net, TS Minh cho biết: “Có thể nói đây là một chương trình đào tạo đầy ý nghĩa, thể hiện một sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, cuộc chiến không thể thành công một sớm một chiều. Một cố gắng cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ xã hội trong điều kiện không phải không thiếu ý kiến băn khoăn về một chuyên ngành mới”.

Tuy nhiên, có không ít ý kiến ngược lại.

Trên báo Lao động ngày 07.8, bài “Đào tạo thạc sĩ phòng chống tham nhũng: Không cần thiết!”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Giáp - Giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc mở hẳn chương trình đào tạo sau đại học về phòng chống tham nhũng là không cần thiết bởi nó đã có ở nhiều môn học về pháp luật, xây dựng Đảng, chính trị học…

Cùng quan điểm, LS Nguyễn Anh Thơm - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng các hành vi tham nhũng trong Luật phòng chống tham nhũng 2005 đã được chuyển hóa vào trong các điều luật của Bộ luật Hình sự 1999 cũ và Bộ luật Hình sự mới 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, có thể thấy việc đào tạo thạc sĩ luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng về cơ bản là nằm trong đào tạo chuyên ngành luật hình sự nói chung.

Về quan điểm cá nhân, người viết bài này cho rằng việc nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác này là cần thiết. Tuy nhiên, nâng cao như thế nào, trang bị kiến thức bằng phương pháp nào là điều cần bàn.

Vì thế, có lẽ cần làm là tham khảo các quốc gia được đánh giá đứng đầu về sự minh bạch mà gần gũi nhất là Singapore xem họ có khoa riêng để đào tạo chương trình này hay không? Nếu có thì nên tham khảo, học hỏi cách làm của họ một cách thật tâm, cầu thị…

Thực lòng, người viết bài này cho rằng điều quan trọng nhất đối với những người chống tham nhũng không chỉ ở trình độ mà cần hơn, đó là quyết tâm, bản lĩnh chính trị và “một bàn tay sạch” bởi như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tay đã nhúng chàm không thể chống được tham nhũng!”.

Thực tế cũng cho thấy, hiệu quả to lớn của công tác phòng chống tham nhũng gần đây không chỉ ở trình độ mà còn ở thái độ quyết liệt, đặc biệt là những “bàn tay sạch” của những người đứng đầu đội ngũ này.

Họ là những người thực sự trong sạch và thậm chí, không chỉ bản thân các vị đó mà cả vợ, con, anh em, bè bạn của họ cũng là những người trong sạch.

Có một điều lo ngại nữa, đó là công tác tuyển sinh, một vấn đề rất nhức nhối hiện nay. Nếu để “lọt lưới” những người tâm không sáng, tay đã nhúng chàm để rồi họ lại được trang bị kiến thức nữa thì hỡi ôi, khác gì… “thêm chân cho rắn, thêm vuốt cho hổ”.

“Đội quân tham nhũng” hiện nay đã “phong phú” lắm rồi, xin đừng… bổ sung thêm nữa!

Bùi Hoàng Tám