Xin đừng để niềm tin cạn kiệt!

(Dân trí) - Hành động nhận lỗi, xin lỗi đã phần nào giải tỏa bức xúc, lấy lại niềm tin của người dân. Song, nhận lỗi đã khó, việc sửa lỗi còn khó khăn hơn. Với hàng chục năm chờ đợi, người dân nơi đây không thể chờ đợi thêm được nữa.

Xin đừng để niềm tin cạn kiệt! - 1

Chỉ trong vòng 5 ngày (21 – 25/9), đã có 2 lời xin lỗi từ chính quyền ở hai địa phương về chung một đề tài mang tên: Quy hoạch.

Lời xin lỗi thứ nhất, ngày 21/9, UBND TPHCM xin nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vì đã thực hiện không đúng quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chính quyền thành phố cũng chân thành xin lỗi nhân dân thành phố, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch tại phường Bình An, quận 2.

Đây là lời xin lỗi mà người dân đã phải chờ đợi suốt 20 năm qua và đã tốn không biết bao nhiêu công sức, gánh chịu mọi bất công với hàng núi đơn thư, lời phản ánh…

Song, có thể thấy ở đây là lời xin lỗi chân thành, thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân dù muộn, rất muộn.

Lời xin lỗi thứ hai, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định xin lỗi dân vì Dự án Khu du lịch Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội do Công ty TNHH MTV Du lịch và Khách sạn Việt - Mỹ làm chủ đầu tư có diện tích 300 ha tại thôn Vĩnh Hội, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Đến nay, dự án cơ bản chỉ tồn tại trên giấy!.

Vào ngày 25.9, ông Phan Việt Hùng - Phó Trưởng ban Khu kinh tế tỉnh Bình Định thừa nhận: “Thay mặt Ban Quản lý Khu kinh tế, tôi xin nhận khuyết điểm, thiếu sót đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bà con. Tôi xin lỗi bà con đây vừa là tư cách cá nhân, vừa là tư cách Ban Quản lý Khu kinh tế. Bản thân tôi nhà dột một chút, hay mất nước một hai ngày thôi thì mình đã cảm thấy day dứt, khó sống huống gì bà con chịu đựng hơn 10 năm qua. Tôi thành thật xin lỗi!”, ông Hùng nói.

Một lời xin lỗi chân thành, sẻ chia.

Thế nhưng để có được lời xin lỗi này, người dân nơi đây đã phải sống suốt 10 năm trời với bao cơ cực. Không chỉ sống trong hoang mang, lo sợ mà còn là biết bao nhiêu lần đơn từ, khiếu nại…

Tiếc rằng những cái gọi là “dự án treo” ấy có mặt không chỉ ở TP HCM, ở Bình Định mà hầu như địa phương nào cũng có. Không chỉ 10 năm hay 20 năm, có những dự án kéo dài gần nửa thế kỉ.

Điều đáng ngạc nhiên, nhiều khi nó được hình thành trên ý tưởng bộc phát của một ai đó và thậm chí, chỉ một cái “khoát tay” là biết bao gia đình sống trong phấp phỏng.

Trở lại với hai lời xin lỗi trên, hành động nhận lỗi, xin lỗi đã phần nào giải tỏa bức xúc, lấy lại niềm tin của người dân. Song, nhận lỗi đã khó, việc sửa lỗi còn khó khăn hơn. Với hàng chục năm chờ đợi, người dân nơi đây không thể chờ đợi thêm được nữa.

Hãy sửa lỗi ngay và ngay lập tức. Chút ít niềm tin vừa lấy lại được qua lời xin lỗi, đừng để sự chậm trễ làm cho cạn kiệt.

Bùi Hoàng Tám