Xin đừng ảo tưởng về quyền lực!

(Dân trí) - Không chỉ là sự "khó chịu", "bất tiện" mà lạm quyền, lộng quyền gây ra cho người khác, người được giao quyền cũng có thể bị "đứt tay" vì lưỡi dao quyền lực, đánh mất bản thân, thậm chí trả giá trước pháp luật.

Xin đừng ảo tưởng về quyền lực! - Ảnh 1.

--

Đinh Thanh Phụng, một nhân viên của HTX Quyết Thắng tại Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây đã bị Công an TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tạm giữ hình sự để điều tra cố ý gây thương tích.

Diễn biến vụ việc được tường thuật trên Dân trí ngày 24/12 như sau: Anh Lê Trọng Hiếu vào đầm nuôi tôm của gia đình để trông coi. Khi đi ngang qua cổng HTX Quyết Thắng thì anh Hiếu bị một nhân viên gác cổng tên Sơn đề nghị xuất trình giấy tờ, song anh Hiếu cho rằng không cần phải xuất trình giấy tờ cho người không có chức trách. Người tên Sơn này sau đó "vừa chạy theo vừa chửi theo anh Hiếu", đến chòi thì bỏ về.

"Tưởng mọi chuyện đã qua, vài phút sau anh Hiếu thấy Đinh Thanh Phụng và một thanh niên khác chạy xe máy vào. Không nói lời nào, Phụng tiến thẳng vào chòi gần vị trí anh Hiếu ngồi, rút súng bắn một phát lên trời rồi tiếp tục bắn một phát trúng vào bả vai anh Hiếu. Lúc này nạn nhân dùng tay gạt khẩu súng thì liên tiếp hai phát súng nữa vang lên", bài báo ghi lại.

Sự việc diễn ra chóng vánh tưởng chỉ có thể xảy ra trong những bộ phim cao bồi, phim hành động kiểu Mỹ. Gác lại một bên chuyện tàng trữ, sử dụng súng trái phép, không ai nghĩ cung cách hành xử của những nhân viên hợp tác xã lại có thể đậm tính bạo lực giang hồ như vậy.

Đòi hỏi giấy tờ vô lý và khi không đạt được mục đích, bị phật ý thì lập tức dằn mặt, trả thù. Họ nghĩ họ là ai? Rằng họ là bảo vệ, nhân viên hợp tác xã mà họ có quyền coi thường người khác hay chăng?

Tôi hi vọng đây đơn thuần chỉ là một hiện tượng đơn lẻ, song ngẫm lại, có vẻ như sự lộng quyền, ảo tưởng về quyền lực bản thân đã trở thành vấn nạn và phổ biến ở nhiều bộ phận trong xã hội, tồn tại ngay cả những người có tí chút chức vụ, quyền hạn như nhân viên bảo vệ, văn thư, dân phòng…

Họ được giao cho một nhiệm vụ nhất định, song không ít người đã sẵn sàng sử dụng chút quyền lực đó để gây khó dễ cho người khác, hoạnh hoẹ, hách dịch, tự ví mình như những "ông trời con" không coi ai ra gì.

Nào ai có lạ gì chuyện phóng viên tác nghiệp bị bảo vệ ngăn chặn, đuổi đánh; đội quy tắc đô thị gây khó dễ, vòi vĩnh người dân; công chức xã thì "hành lên hành xuống" những người đến làm thủ tục hành chính; y tá, nhân viên y tế thì doạ nạt, quát mắng bệnh nhân; giáo viên ép học sinh tham gia học thêm, thậm chí còn lạm dụng tình dục… Quả thật là những chuyện khiến người ta ngao ngán!

Đành rằng, ngành nghề nào cũng có bất cập và chúng ta vẫn chậc lưỡi "ở đâu mà chẳng có người này người nọ". Tuy nhiên, vẫn phải nhìn thẳng vào tình trạng thoái hoá, biến chất nặng nề, sự xuống cấp đạo đức đang diễn ra tại một bộ phận xã hội, trong đó bao gồm cả những người "có học".

Quyền lực dù to dù nhỏ, nếu không được kiểm soát và sử dụng đúng mức thì sẽ trở nên vô cùng tai hại. Đó không chỉ là sự "khó chịu", "bất tiện" mà lạm quyền, lộng quyền gây ra cho người khác, người được giao quyền cũng có thể bị "đứt tay" vì lưỡi dao quyền lực, đánh mất bản thân, thậm chí trả giá trước pháp luật.

                 Bích Diệp