“Vợ ba”: Phạt “gãi ngứa”?
(Dân trí) - Bộ phim “Vợ ba” lấy bối cảnh nông thôn miền Bắc thế kỷ 19 để kể câu chuyện về thân phận và bi kịch của người phụ nữ. Thông điệp về phim rất nhân văn nhưng lại thiếu tính nhân văn khi sử dụng diễn viên nhí 13 tuổi để đóng các cảnh quan hệ tình dục.
Đây là một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Và đó cũng là lí do khiến cho bộ phim trở nên ồn ào và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Tới mức, cả Bộ VHTT&DL, Bộ LĐTB&XH, Cục Trẻ em và nhiều bộ ngành - chuyên gia phải lên tiếng vì vấn đề vượt xa khỏi giới hạn của nghệ thuật. Bộ VHTT&DL đã đưa ra án phạt 50 triệu đồng đối với nhà sản xuất. Nhưng cái tội bị phạt ở đây lại không phải là vì sử dụng trẻ em 13 tuổi đóng cảnh nóng mà là vì bản chiếu khác với bản đã được cấp phép. Đáng tiếc là Bộ đã không đưa ra các chi tiết chứng minh chuyện khác của bản phim được duyệt và bản phim đã công chiếu như thế nào.Việc xử phạt một cách mơ hồ với luận điểm “công chúng lên án”, “trái thuần phong mỹ tục”... của Bộ VHTT&DL khiến mọi người chơi vơi trong khái niệm về xử phạt. Và điều này sẽ dễ dàng lặp lại bởi không có một giới hạn cụ thể nào để tránh.
Điều đáng nói hơn là khi mà cả xã hội đang hết sức lên án các hành vi bạo hành và xâm phạm trẻ em thì án phạt đã không hề xoáy vào chuyện này. Bởi thế mà chuyện nhiều người cho Bộ VHTT&DL phạt theo kiểu trấn an dư luận âu cũng hợp nhẽ.
Bên cạnh đó, chuyện phạt đơn vị sản xuất mà không phạt Hội đồng thẩm định phim e cũng chưa công bằng. Bởi lẽ, trong quá trình thẩm định phim, Hội đồng thẩm định phim không thể không phát hiện ra chuyện diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm. Nếu đã phát hiện ra mà vẫn ngó lơ cho nhà sản xuất làm phim và công chiếu thì đã đủ trách nhiệm? Còn nếu không phát hiện ra thì năng lực của Hội đồng thẩm định phim và Cục Điện ảnh chắc chắn có vấn đề.
Cuối cùng, đồng ý là nghệ thuật được phép hư cấu và sáng tạo. Tuy nhiên, không thể nhân danh nghệ thuật để bước qua đạo lý, văn hoá và tâm thế của cộng đồng. Đó là chưa kể việc sử dụng một đứa trẻ 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm là vượt qua cái tâm của người làm nghệ thuật. Bởi dẫu có lấp liếm và ngụy biện tới cỡ nào thì diễn viên nhí chắc chắn cũng có ảnh hưởng nhất định về tâm lý và tinh thần khi phải cố biểu cảm cảm xúc của hành vi quan hệ tình dục theo ý đồ của kịch bản, của đạo diễn.
***
Hào nhoáng của ánh sáng nghệ thuật chỉ mang lại hiệu quả khi được đặt trên nền tảng của văn hoá và đạo đức. Một khi đã xa rời những yếu tố đó thì một tác phẩm nghệ thuật có kỳ công đến mấy cũng rất dễ bị tẩy chay, lên án.
Bảo Quân