Vị Thủ tướng “lắng nghe” và những “ông vua con” vô cảm

(Dân trí) - Trong khi Thủ tướng cố gắng lắng nghe một cách cầu thị những ý kiến người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia, bao gồm cả những ý kiến thuận chiều và phản biện thì rất nhiều nơi trên đất nước này vẫn còn những quan xã, quan huyện, những “ông vua con” công chức đầy bảo thủ, trơ lỳ và cần lắm một cuộc “đại phẫu” để loại bỏ.


(Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại chợ Long Biên sáng 27/9)

(Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại chợ Long Biên sáng 27/9)

Cách đây vài ngày, tại hội nghị bàn tròn với chủ đề “Thủ tướng với Mạng lưới Chuyên gia toàn cầu về Phát triển Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn cố gắng lắng nghe với tinh thần cầu thị các ý kiến của người dân, của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, lắng nghe hơi thở cuộc sống hiện nay, những vấn đề bất cập để có giải pháp ứng phó để phát triển bền vững.

Thủ tướng đã nhắc lại vấn đề được nêu tại các bài phát biểu của từng vị chuyên gia tham dự hội nghị, từ phát biểu về mô hình phân tích cấu trúc của nền kinh tế của GS. Hausmann, phát biểu về chính sách công nghiệp hoá của GS. Trần Văn Thọ cho đến những điểm nghẽn trong hệ thống kinh tế mà PGS. Trần Ngọc Anh nêu.

Ông nói thêm rằng, ông rất muốn nghe thêm ý kiến của GS. Ngô Bảo Châu và muốn nghe về việc ứng dụng toán trong phân tích kinh tế. Ông cũng mong muốn nghe PGS. Andreas Hauskrecht, chuyên gia về tài chính quốc tế, dự đoán về tình hình tài chính, kinh tế tiền tệ thế giới và gợi ý cho Việt Nam…

Những điều Thủ tướng nói cho thấy, ông đã lắng nghe các chuyên gia một cách thực sự và chăm chú, chứ không đơn thuần chỉ là tham dự, ngồi nghe một cách trọng thị, xã giao.

Đây không phải là lần đầu tiên hay lần hiếm hoi nào đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe. Trước đó, ngay sau khi mới nhậm chức ít tuần, vào ngày 29/4, tại Dinh Độc Lập, ông đã đối thoại, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được ban hành chỉ 2 tuần sau cuộc đối thoại diễn ra.

Tháng 11, Thủ tướng cũng đã gặp gỡ các chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt kiều tiêu biểu. Đầu tháng 12, Thủ tướng đối thoại với các nhà đầu tư. Ông cũng liên tục có những chuyến đi cơ sở, thậm chí là ăn phở, uống cà phê vỉa hè, rồi vào tận bếp, nhà vệ sinh của người dân sống trong khu chung cư thu nhập thấp để chứng kiến, lắng nghe ý kiến nhân dân

Từ việc lắng nghe, cách giải quyết công việc của ông cũng khá đặc biệt, không chỉ là phê duyệt, ký nghị quyết, nghị định mà chỉ đạo đến từng vụ việc nhỏ, từ vụ Cà phê Xin chào cho đến vụ việc một cô gái bị đánh ở sân bay, và mới đây là việc ông viết thư động viên, thăm hỏi các cô giáo trường mầm non xã An Hiệp (Phú Yên) vì dũng cảm bảo vệ học sinh… Những mẩu chuyện nhỏ trong cuộc sống đó mang tính đại diện và biểu trưng cho những vấn đề nhức nhối của xã hội, cho thấy có sự trục trặc ở đâu đó trong bộ máy chính quyền cấp dưới hay có lỗ hổng về mặt xã hội cần giải quyết.

Tôi, và có lẽ mọi người dân đều vui mừng và trân trọng việc người đứng đầu Chính phủ luôn mở lòng lắng nghe mọi ý kiến, không phân biệt người góp ý là ai, không quan trọng là thuận theo hay phản biện miễn chung một mục đích làm cho đất nước tốt lên. Thế nhưng, nếu chỉ Thủ tướng, chỉ một số vị lãnh đạo thực tâm lắng nghe và hành động thì vẫn rất khó để đất nước chuyển mình.

Đáng buồn thay, sự trì trệ lại đến từ những vị quan huyện, quan xã, những “ông vua con” công chức cơ sở đầy vô cảm, luôn coi mình là trung tâm, quen thói hạch sách, quan liêu, đòi hỏi. Thế mới có những vụ oan sai hàng chục năm trời; những chủ doanh nghiệp mất cơ ngơi; những người dân mất đi sinh kế…

Trong buổi làm việc với Thủ tướng, PGS. Trần Ngọc Anh cho biết, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%. Để “phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng” thì nhiệm vụ trước mắt vẫn còn rất gian nan là làm sao phá bỏ được sự trì trệ, bảo thủ trong tư duy, nhận thức của bộ máy quản lý.

Có lẽ, trong nhiều trường hợp, cần thiết một cuộc đại phẫu để mạnh tay loại bỏ, sa thải những con người vô cảm khỏi bộ máy, bởi nói cho cùng, ở đời “không kẻ nào điếc bằng lòng người không muốn nghe, không kẻ nào mù bằng lòng người không muốn thấy”.

Bích Diệp