Vì sao vẫn còn hiện tượng du khách “mười đi một trở lại”?

(Dân trí) - Những người bán hàng, chủ quán ăn, nhà nghỉ… đáng lẽ phải là các đại sứ quảng bá văn hóa bản địa thì lại nghĩ ra đủ mọi chiêu trò để có thể “móc” được càng nhiều tiền của du khách càng tốt.

Vì sao vẫn còn hiện tượng du khách “mười đi một trở lại”? - 1

Mới đây, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Đôn Tuấn Phong gây chú ý khi đưa ra thông tin, tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam từ lần thứ hai trở đi rất thấp.

Cụ thể, theo Hiệp hội du lịch quốc tế, chỉ khoảng 10% khách du lịch quốc tế muốn quay lại Việt Nam lần thứ hai. Tức là cứ 10 khách quốc tế mới chỉ có 1 người muốn quay trở lại. Trong khi đó, tỷ lệ này của Thái Lan lên tới 70%.

Thực ra, thông tin trên không phải mới, mà đã là vấn đề “khổ lắm, biết rồi, nói mãi’ tồn tại trong ngành du lịch nhiều năm qua. Trong đó, điều khiến khách quốc tế phàn nàn nhiều nhất chính là thái độ phục vụ thô lỗ, thường xuyên bị chèo kéo, ép mua hàng, hoặc bị phân biệt đối xử với người bản xứ.

Những người bán hàng, chủ quán ăn, nhà hàng… đáng lẽ họ phải là các đại sứ du lịch thân thiện, quảng bá văn hóa bản địa thì lại nghĩ ra đủ loại chiêu trò, mánh khóe để làm sao “móc” được càng nhiều tiền của du khách càng tốt.

Đi taxi thì bị lái xe chạy lòng vòng để lấy thêm tiền hay bấm gian đồng hồ tính kilômét, thậm chí “cao tay” hơn là đổi tiền giả cho du khách. Khi đi bộ trên đường phố thì bị chèo kéo để mua đồ ăn, đồ lưu niệm bán rong. Vào quán ăn, nếu du khách chủ quan không hỏi giá lập tức có thể bị “chém” với giá cao gấp nhiều lần. Không chỉ đánh tráo đồ ăn, cân hàng gian dối, nhiều chủ quán còn trơ trẽn tính phí thêm cả tiền ghế ngồi, tiền điện… với giá “trên trời” vào bữa ăn.

Không nói đâu xa, ngay ở Thủ đô Hà Nội điểm đến “hòa bình, thân thiện hiếu khách” nhưng cũng là nơi mà những hành vi xấu xí trong du lịch cũng thường xuyên xảy ra, gây bức xúc dư luận. Cách đây không lâu, hai du khách người Pháp đã phải nhờ cư dân mạng, truy tìm thủ phạm trả lại tiền âm phủ khi đi du lịch ở Hà Nội. Rồi một vị khách người Mỹ gây “choáng” khi bị người bán hàng rong phố Cổ chém đẹp túi bánh rán lên tới 700.000 đồng…

Một du khách Sài Gòn đã từng chia sẻ rất thật với người viết rằng, mỗi lần ra Hà Nội anh không dám nói tiếng địa phương mà phải giả giọng Bắc vì “sợ bị chém đẹp khi mua hàng”. Người Việt còn có tâm lý “sợ” ngay tại các điểm đến trên đất nước mình, thì đừng hỏi tại sao các vị khách ngoại quốc lại “một đi không trở lại”.

So với các nước trong khu vực, du lịch Việt Nam có nhiều lợi thế hơn hẳn. Chúng ta có rừng vàng, biển bạc, các di sản thiên nhiên, văn hóa được UNESCO vinh danh nhưng  vì sao du lịch Việt Nam vẫn phải mất 15 năm nữa mới đuổi kịp Thái Lan, 2 năm nữa mới đuổi kịp Singapore ở thời điểm hiện tại?

Trước khi có những giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đầu tư xúc tiến quảng bá và cải thiện thị thực, chất lượng cơ sở hạ tầng thì ngay từ hôm nay, ngành du lịch phải có các biện pháp quyết liệt, nỗ lực hơn nữa trong việc thay đổi thói quen, nhận thức của người dân về cách làm du lịch.

Phải làm sao để xóa bỏ tư duy trục lợi, cách làm ăn chộp giật, thay vào đó hãy biến mỗi người dân trở thành các đại sứ, quảng bá cho hình ảnh du lịch Việt Nam. Đừng để nỗi ám ảnh mang tên “chặt chém” “hàng rong”… trở thành rào cản khiến “du lịch không thể cất cánh” như kỳ vọng.

Hà Trang