Vì sao Thầy Cương đang mỉm cười nơi chín suối?!
(Dân trí) - Không Nhà giáo ưu tú cũng chẳng Nhà giáo Nhân dân, không chức trọng, cũng chẳng quyền cao và cũng không còn trẻ… Ở tuổi bát tuần (80), sự ra đi của PGS TS Văn Như Cương làm xúc động dư luận và được rất nhiều tờ báo đăng tải, trong đó có cả những hãng thông tấn lớn trên thế giới.
Không ít tờ báo đưa ảnh ông trên trang nhất và không chỉ đăng một mà nhiều bài. Rất nhiều thư điện tử gửi về Dân trí chỉa sẻ về sự mất mát lớn này.
Vì sao sự ra đi của một con người có thể nói là bình dị lại tạo sự quan tâm và xúc động dư luận như vậy.
Trước hết, xin điểm lại đôi nét về con người bình dị nhưng lớn lao này.
PGS Văn Như Cương sinh năm 1937 trong một gia đình nhà Nho làng Quỳnh Đôi , huyện Quỳnh Lưu , tỉnh Nghệ An .
Năm 1954, ông ra Hà Nội học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường.
Mấy năm sau, ông được cử sang Liên xô làm nghiên cứu sinh ngành Toán tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) năm 1971.
Về nước, ông là giảng viên dạy môn Hình học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh.
Sau Đổi mới, năm 1989, ông mở trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam mang tên Nhà toán học Lương Thế Vinh (Trạng Lường).
Ông chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách trong đó gồm sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam. Khi du học tại Liên xô, ông có một số nghiên cứu Toán học.
Song, có lẽ ông nổi tiếng và được nhiều người yêu quí không chỉ ở những công trình khoa học hay Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia. mà còn ở tấm lòng bao dung, nhân ái và sự độc đáo trong cách nghĩ, cách làm.
Quanh ông là những phát ngôn nỏi tiếng như lời căn dặn các học trò: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc. Nhưng trước hết phải là người tử tế"
"Hãy trung thực đừng dối trá, hãy vị tha đừng vị kỉ, hãy hòa đồng đừng đố kị, hãy cao thượng đừng thấp hèn, hãy độc lập suy nghĩ dừng adua bầy đàn, hãy nói lời thanh cao đừng buông lời tục tĩu"…
Tuy là người thế hệ trước nhưng ông có cái nhìn rất hiện đại và cởi mở: “Nhiều người nói giới trẻ ngày nay đang biến chất và quay lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Theo tôi thì không phải như vậy. Không thể bắt các em xem cải lương, dân ca tuồng chèo hàng ngày. Những giá trị đó thì ai cũng biết, cũng hiểu và tôn trọng nhưng không hợp với bọn trẻ”.
Xung quanh ông còn có nhiều những giai thoại như ngày đó đời sống giáo viên rất khó khăn, phải cải thiện bằng nhiều cách như nuôi gà, vịt và cả lợn. Gia đình ông cũng nuôi lợn ở căn nhà tập thể trên tầng 2. Khi bị lập biên bản, ông đề nghị thay cụm từ “GS Văn Như Cương nuôi lợn ở tầng hai” bằng “Lợn nuôi GS Văn Như Cương ở tầng hai” và lý giải rằng “nó nuôi tôi đấy chứ”.
Đó là giai thoại nên không biết độ chính xác đến đâu còn chuyện này thì thật 100% và vừa xảy ra.
Đó là lần vào bệnh viện điều trị bệnh ung thư giai đoạn cuối mới đây, hơn 3.000 học sinh Lương Thế Vinh hát vang ca khúc truyền thống “Bài ca Lương Thế Vinh” đễ tiễn ông.
Hơn 19.000 con hạc giấy đã được gấp và treo thành từng dây ở sảnh trường Lương Thế Vinh với niềm tin của các em là những con hạc giấy sẽ giúp Thầy vững vàng chống chọi với bệnh tật và mau lành bệnh.
Khi Thầy ra viện, cả nghìn thầy trò đã sắp hàng dài trước cổng đón Thầy với tiếng vỗ tay và tiếng trống trường giòn giã.
Giờ đây thì Thầy Cương đã vĩnh viễn ra đi nhưng lòng nhân ái, bao dung của Thầy, tình yêu thương của Thầy và những công trình khoa học của Thầy sẽ còn mãi trong tâm trí không chỉ học trò, những người bạn mà cả những ai chưa một lần quen biết.
Từ nay, các em trường Lương Thế Vinh không còn được gặp Thầy nữa nhưng hình ảnh mái tóc bạc phơ, chòm râu rắng xóa và nụ cười nhân từ sẽ còn mãi với thời gian.
Buồn thay mảnh vườn giáo dục Việt Nam vốn đã thưa thớt, giờ lại càng thêm trống vắng vì một cây đại thụ vừa đổ bóng.
Chợt nhớ câu nói của người xưa, đại để một người hạnh phúc là khi sinh ra, ta khóc, mọi người cười và khi ta mất đi, mọi người khóc, ta cười.
Thầy Cương ơi! Với tư cách một người bạn vong niên, tôi hiểu giờ đây Thầy đang mỉm cười nơi chin suối bởi những gì cần làm, Thầy đã làm đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình.
Bùi Hoàng Tám