Vì quyền lợi người dân và đất nước, chứ đừng chỉ vì an toàn cho "cái ghế"…
(Dân trí) - Người dân cần ở họ là những "chiến tướng" có tầm nhìn, có sách lược, có trách nhiệm với lợi ích chung, vì quyền lợi của người dân và của đất nước chứ đừng chỉ vì sự an toàn cho " cái ghế"…
"Những ngày qua, tôi nhận tin nhắn ta thán của nhiều doanh nghiệp là Thủ tướng đã nêu tinh thần chỉ đạo "không ngăn sông cấm chợ" nhưng một số địa phương vẫn chưa tạo điều kiện cho người lao động đi làm trở lại, thậm chí khi công nhân đã có đủ thẻ xanh Covid, tiêm vaccine, rồi vẫn bắt buộc phải 3 tại chỗ. Địa phương khó khăn như vậy, doanh nghiệp biết phải thực hiện làm sao?".
Thực trạng này được chính Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu ra tại hội nghị trực tuyến chiều ngày 15/10 với các địa phương trong cả nước.
Đến cuộc họp sáng ngày 17/10, trên tư cách Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa chỉ ra: Vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân.
Có thể thấy, đang có tình trạng "lệch pha" nhất định giữa thực hiện ở địa phương với chủ trương, chính sách ở Trung ương, kiểu "chỉ đạo một đường, làm một nẻo". Và rõ ràng là trước tình trạng đó, từ lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành đều đang tỏ ra rất sốt ruột.
Thủ tướng quán triệt: Tinh thần chung là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương; nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.
Trải qua 4 đợt bùng dịch, đặc biệt là đợt bùng dịch lần thứ 4 vẫn đang dai dẳng, chưa chấm dứt hoàn toàn, bản thân người viết hiểu áp lực với lãnh đạo địa phương là rất lớn. Chỉ cần một sự sao nhãng, chểnh mảng trong khâu nào đó có thể sẽ khiến thành quả của một quá trình chống dịch đổ sông, đổ bể.
Tuy nhiên, sự thận trọng này hoàn toàn khác với việc cố tình tạo ra những thủ tục, rào cản không cần thiết, làm khó doanh nghiệp và người dân. Chẳng hạn như thực trạng mà Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu ở trên (công nhân đã có đủ thẻ xanh Covid, tiêm vaccine, rồi vẫn bắt buộc phải 3 tại chỗ), vậy thì sự hợp tình ở đâu, hợp lý ở đâu? Xét về mọi khía cạnh đều không thấy được!
Sau những đợt giãn cách quy mô lớn, doanh nghiệp gắng gượng trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh. Họ đã bị tổn thương nặng nề vì dịch bệnh, chủ doanh nghiệp mệt mỏi với đủ thứ chi phí phải gánh gồng cùng nhiều nỗi lo toan.
Bản thân người lao động cũng vậy, sức chịu đựng của họ bị bào mòn qua từng ngày, từng tuần… Rất nhiều người không thể trụ vững đã phải bỏ cuộc và đưa gia đình về quê. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, chỉ tính từ tháng 7 đến 15/9 đã có khoảng 1,3 triệu lao động về quê tránh dịch. Hầu hết những lao động ấy đã bị cạn kiệt về tài chính, không đủ khả năng chi trả tiền nhà trọ, sinh hoạt phí và không kham nổi chi phí xét nghiệm.
Tôi nghĩ rằng, hơn ai hết, các địa phương đều hiểu rằng, ở vào thời điểm này, những thủ tục, rào cản giấy tờ phát sinh mới có thể sẽ là những giọt nước tràn ly khiến làn sóng rời bỏ thành thị để trở về nông thôn mạnh mẽ hơn. Không thận trọng, sẽ khiến gãy chuỗi cung ứng lao động và doanh nghiệp khó mà hồi phục lại công suất sản xuất ngay sau khi dịch đã được kiểm soát.
Khi đó, ai mới là bên thiệt hại lớn nhất? Người dân, doanh nghiệp bị tổn thương đã đành, địa phương sẽ tụt lại phía sau, những kế hoạch phát triển kinh tế sẽ khó thực hiện được!
Khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ chống dịch nhưng lãnh đạo địa phương cũng cần thể hiện rõ hơn nữa trong công tác điều hành, không nhân nhượng với tiêu cực, cục bộ...
Người dân cần ở họ là những "chiến tướng" có tầm nhìn, có sách lược, có trách nhiệm với lợi ích chung, vì quyền lợi của người dân và của đất nước chứ đừng chỉ vì sự an toàn cho " cái ghế"…