Về sự “băn khoăn” của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

(Dân trí) - Người viết bài này cho rằng nên tiến hành theo lộ trình từng bước, đến đâu xử lý đến đó. Bước một, đánh thuế thu nhập ở mức cao nhất (35%) và có thể bổ sung hình thức phạt. Tuy nhiên, việc thu thuế này không có nghĩa là hợp pháp tài sản tham nhũng, tiêu cực.

Về sự “băn khoăn” của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - 1

Tại phiên thảo luận về luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) của UB Thường vụ Quốc hội sáng 10/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói:

“Thực tế khi xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản vừa qua có thể thấy nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không giải trình được nguồn gốc, nhà nước cũng không có cơ sở pháp lý nào để xử lý. Về phía dư luận thì người dân chỉ cần biết, tài sản tham nhũng đó đã thu hồi được chưa”.

Đây là nhận xét rất chính xác bởi hiện nay, có nhiều cán bộ có chức, có quyền giàu, rất giàu.

Xin đơn cử một vụ việc mới nhất mà báo Thanh niên vừa nêu trong bài “Gia sản 'khủng' của một cựu chủ tịch xã”.

Đó là khối tài sản không lồ của ông cựu Chủ tịch xã Phong Hải (H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) Nguyễn Viết Từ. Trong thời gian 10 năm (2005 - 2015) làm Chủ tịch xã, ông Từ hiện đang sở hữu khối tài sản khủng gồm một ngôi biệt thự đồ sộ trên diện tích hơn 500 m2, 19 lô đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gồm đất ở và đất nuôi trồng thủy sản), tổng số diện tích lên đến hàng chục ha.

Ngoài ra, người con trai đầu đang ở TP.HCM đã có nhà và đất ở P.Tân Thới Nhất, Q.12. Người con trai thứ hai của ông cũng có 2 lô được cấp GCNQSDĐ ở xã Phong Hải. Đây chỉ là khối tài sản nổi, là nhà, đất nhìn thấy, sờ thấy được.

Những số liệu trên cho thấy, tuy chỉ là chủ tịch xã (một chức tước thấp nhất trong hệ thống quản lý Nhà nước) nhưng tài sản đã “kinh hoàng” như thế nào.

Trở lại với băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội, đây là câu hỏi đã được đặt ra nhiều lần, từng gây tranh cãi trong dư luận. Song, cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Một số ý kiến cho rằng tài sản không giải trình được nguồn gốc là tài sản bất hợp pháp, do bất minh mà có. Vì vậy, phải tịch thu, xử lý hình sự chủ sở hữu.

Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện bởi muốn tịch thu tài sản công dân, phải thông qua tòa án. Mà tại tòa, các cơ quan chức năng phải chứng minh được nguồn gốc tài sản đó là do bất minh (tiêu cực, tham nhũng, buôn bán bất hợp pháp…) mà có.

Thực tế cho thấy đến nay, việc này chưa làm được bao nhiêu bởi chỉ xét về thời gian, nhân lực đã rất khó khăn để đem xét xử một vụ việc tại tòa.

Việc kê khai tài sản cũng chưa mang lại hiệu quả. Mỗi năm, chỉ phát hiện vài ba trường hợp vi phạm trong tổng số gần 1 triệu đối tượng thuộc diện kê khai.

Luồng ý kiến thứ hai đề xuất đánh thuế tài sản ở mức cao nhất, thậm chí phạt gấp 1-3 lần.

Phương án này lợi thế khi thực hiện nhưng lại không được dư luận đồng tình bởi việc thu thuế được coi như gián tiếp công nhận hợp pháp tài sản bất minh.

Tóm lại, với cơ chế và qui định của pháp luật hiện nay, đây là việc rất khó xử lý để “vẹn cả đôi đường”.

Vì thế, người viết bài này cho rằng nên tiến hành theo lộ trình từng bước, đến đâu xử lý đến đó. Bước một, đánh thuế thu nhập ở mức cao nhất (35%) và có thể bổ sung hình thức phạt. Tuy nhiên, việc thu thuế này không có nghĩa là hợp pháp tài sản tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, khi phát hiện bất minh, sẽ tịch thu toàn bộ theo quyết định của tòa án.

Đây có lẽ là phương án tạm chấp nhận được trong tình hình hiện nay bởi trong trường hợp ít "sáng sủa" nhất thì cũng thu hồi được một phần tài sản.

Có thể nói, thu hồi tài sản tham nhũng, bất minh là một trong những việc làm khó nhất hiện nay, song đã có nhiều tiến triển. Nếu những năm trước, việc thu hồi tài sản trong các vụ án đạt hiệu quả rất thấp thì gần đây, nhiều vụ án đã thu hồi được một phần tài sản này. Đặc biệt, có những vụ thu hồi 100% tài sản.

Dịp này năm ngoái (10.2017), trong lần tiếp xúc với cử tri TP HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói: "Có những vụ tài sản tham nhũng rất lớn nhưng chủ yếu mới trừng trị, xử lý chứ chưa thu hồi được tài sản. Tôi cho là thành công của chúng ta mới được một nửa".

Bùi Hoàng Tám