Về nỗi “dằn vặt” của Thủ tướng

(Dân trí) - “Không thể để Việt Nam có lợi thế phát triển nhiều hơn nhưng mãi chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar. Chúng ta phải dằn vặt về cái này”.

Về nỗi “dằn vặt” của Thủ tướng - 1

“Chúng ta không gọi là kinh tế ngầm mà gọi là kinh tế không chính thức, khu vực này còn rất lớn. Người dân mua nhà lầu, xe hơi, ăn thịt bò, uống rượu số lượng lớn nhưng chưa tính được”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhận xét như vậy tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Thống kê ngày 22/1.

Theo Thủ tướng, điều này đã bỏ sót khoảng 2% GDP, khiến ngành thuế thất thu, mất công bằng trong phát triển.

Thực tế thì cũng thật khó cho cơ quan thống kê để đưa tất cả hoạt động kinh tế ra ánh sáng. Bởi nói như Thủ tướng, “chẳng ai dại gì tự nhiên đi dâng tô, tính thuế”. Nhưng đã nói là nhiệm vụ của ngành này là “thống kê” thì không cớ gì được phép “bỏ sót”, “bỏ lọt” cả.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có giải thích với báo giới rằng, có những hoạt động kinh tế có được thống kê hay không còn phụ thuộc vào quan niệm:

“Tại nhiều quốc gia không coi đánh bạc, mại dâm là những hoạt động phi pháp, nhưng ở Việt Nam đánh bạc và mại dâm là phi pháp. Do đó, những hoạt động này không đưa vào khái niệm sản xuất và thu thập dữ liệu của thống kê Việt Nam”.

Thực tế cho thấy kinh tế ngầm không hoàn toàn là tiêu cực bởi trong khu vực kinh tế này, lại có các thành phần như kinh tế ngầm phi pháp (buôn lậu, gian lận thuơg mại, hoạt động xã hội đen như bảo kê, mại dâm, cờ bạc...); nhưng cũng có kinh tế ngầm hợp lệ nhưng chưa hợp pháp như mua bán online, ngoai hối- vàng, bạc cất trữ trong dân, kiều hối...

Kinh tế ngầm luôn tồn tại, kể cả ở các nước phát triển, Người ta cũng chỉ hạn chế, thu hẹp qui mô của nó chứ không thể nào xóa bỏ hoàn toàn được. Nó cũng có mặt tích cực nhất đinh, hấp thu các cú sốc của nền kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động thất nghiệp, lao động dôi dư do quá trình sắp xếp lại khối DNNN, CPH ...

Tuy nhiên, cá nhân người viết cho rằng, đã là phi pháp, đã là hoạt động bị pháp luật “cấm” thì phải loại bỏ, chứ không phải là “phạt để cho tồn tại”. Còn nếu đã muốn thống kê, để thu thuế thì phải “chính thức hoá” bằng văn bản pháp luật, phải công nhận sự hợp pháp của hoạt động này.

Vấn đề nằm ở chỗ, có những hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bằng nhiều cách thức, nhà sản xuất lại có tình lách luật hoặc cố ý lui về dưới dạng hoạt động chui, hoạt động “ngầm”, không kê khai, không khai báo.

Về thực trạng này, ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế VCCI) từng phân tích: Các quy định không phù hợp thực tiễn, quá khắt khe đang tạo ra tình trạng lưỡng nan cho nhà kinh doanh. Nếu tuân thủ đúng thì không thể cạnh tranh và tồn tại được vì sự vi phạm quá phổ biến, thậm chí là công khai. Nếu không tuân thủ thì nguy cơ bị coi là vi phạm pháp luật luôn lơ lửng trên đầu, họ như là con tin của một công chức “nhiều quyền, thiếu tâm”.

Kết quả điều tra của WB và IFC cho thấy, các công ty lớn, phát triển nhanh và có đăng ký kinh doanh đàng hoàng thì lại bị thanh tra thường xuyên hơn.

Theo ông Tuấn, khi to thì dễ bị chú ý, làm ăn bài bản thì thiệt thòi, sẽ tạo ra tâm lý nằm lòng của nhà kinh doanh là “khôn dựng trại, dại dựng nhà”.

Thực tế này đang hình thành văn hóa “kinh doanh nhì nhằng” và động lực chuyển các hoạt động kinh doanh về dưới dạng không chính thức. Lâu dần tảng băng kinh tế ngầm sẽ lớn dần. Đây có lẽ là vấn đề còn nguy hại cho Nhà nước hơn cả những con số thống kê.

Điều “cay đắng” là đằng sau nhiều giấy phép, đăng ký kinh doanh có bóng dáng của lợi ích, bởi cấp phép là xin cho, muốn xin thì người xin phải... “biết điều”!

Đằng sau những thủ tục cấp phép khó khăn, mất thời gian lại nở rộ dịch vụ làm thủ tục nhanh chóng với chi phí cao… Và nếu như thế, ai còn dám vươn lên tầm “chính thức”, ai còn dám “lộ sáng” để làm gì?!

Khi người đứng đầu Chính phủ nói: “Không thể để Việt Nam có lợi thế phát triển nhiều hơn nhưng mãi chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar. Chúng ta phải dằn vặt về cái này”, thì câu chuyện đã chẳng còn lại những con số GDP lấp lánh, mà hơn thế là sự giàu có, tăng trưởng thực chất của người dân.

Muốn thế, cái gốc chưa phải là tính lại GDP mà phải là loại bỏ được tham nhũng, tiêu cực, tạo được một môi trường kinh doanh “sạch” cho những người kinh doanh chân chính!

Bích Diệp