Về nỗi “buồn bực” của Người đứng đầu Chính phủ trước thềm năm mới

(Dân trí) - Mong rằng nỗi “buồn bực” này không của riêng ai và càng mong hơn, ngày cả nước không còn “buồn bực” sẽ không xa, phải không các bạn?

Về nỗi “buồn bực” của Người đứng đầu Chính phủ trước thềm năm mới - 1

Ngày 29/12, kết thúc hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385USD thì có gì mà quá phấn khởi. Đó phải là nỗi buồn bực của lãnh đạo chúng ta mới phải, khi thu nhập trung bình của người dân vẫn quá thấp như vậy”.

Có thể nói năm 2017, Người đứng đầu Chính phủ đã có nhiều câu nói và hành động hợp lòng dân. Song, người viết bài này cho rằng đây là câu nói hay nhất của Thủ tướng năm 2017 bởi mấy lý do sau.

Trước hết, về văn cảnh xuất hiện câu nói đó có thể thấy đã lâu rồi, kinh tế Việt Nam mới có bước phát triển mạnh mẽ như năm 2017 vừa qua. Tất cả các chỉ tiêu Quốc hội đề ra đều vượt. Trong đó, GDP đạt mức ngoạn mục 6,81%.

Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đồng thời là một minh chứng cho sự thành công của Đại hội Đảng XII.

Song, nếu nhìn vào đời sống của người lao động cũng như mức thu nhập bình quân trên đầu người (GDP), chúng ta vẫn không khỏi “mủi lòng” mà như lời Thủ tướng là “buồn bực mới phải” vì “vẫn quá thấp”.

Xin không so mức thu nhập bình quân trên đầu người với các quốc gia giàu có trên thế giới như Mỹ, Anh, Thụy sĩ… hay các quốc gia trong châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khu vực, cũng không dám so với Singapore mà chỉ so với các nước “thấp bé, nhẹ cân” hơn như Malaysia, Thái Lan… chúng ta vẫn còn thua kém nhiều.

Theo một con số của Viện Kinh tế, năm 2016 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam thụt lùi so với Hàn quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm. Đây là nỗi buồn, rất buồn cho tất cả còn với lãnh đạo thì đúng như lời Thủ tướng nói “phải là nỗi buồn bực” mới phải.

Không buồn sao được khi xét trên nhiều mặt, chúng ta là quốc gia có rất nhiều lợi thế. Về địa lý, Việt Nam có rừng, có biển, có tài nguyên khoáng sản, có đồng bằng phì nhiêu…

Về điều kiện chính trị, chúng ta có sự ổn định vững chãi.

Về nguồn lực lao động, người dân Việt Nam vốn cần cù, thông minh và nằm trong số quốc gia có dân số trẻ…

Thế nhưng so sánh trong khu vực, kinh tế chúng ta chỉ hàng “đứng đầu top dưới” và luôn bị các quốc gia như Myanma, Lào, Campuchia “đe dọa” vượt qua.

Nhớ lại khi còn làm Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã có lần thốt lên đại loại làm lãnh đạo của một quốc gia nghèo cũng buồn lắm.

Và giờ đây, lại bắt gặp câu này từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Song, nhìn ở một phương diện khác thì đây là câu nói “biết mình, biết người”, nhìn ra sự thua thiệt mà nỗ lực hơn nữa, phấn đấu hơn nữa để vươn lên.

Câu nói thể hiện khát vọng cũng như trách nhiệm của Người đứng đầu Chính phủ đồng thời cũng là lời nhắc nhở không được tự kiêu, tự mãn mà cần phải cần cù hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, tiết kiệm và hành động quyết liệt hơn nữa.

Xin một lần nữa nhắc lại câu nói của Thủ tướng: “2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385USD thì có gì mà quá phấn khởi. Đó phải là nỗi buồn bực của lãnh đạo chúng ta mới phải, khi thu nhập trung bình của người dân vẫn quá thấp như vậy”

Mong rằng nỗi “buồn bực” này không của riêng ai và càng mong hơn, ngày cả nước không còn “buồn bực” sẽ không xa, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám