Về lý do "giải nghệ" của "cây ATM" giải thưởng Việt Nam

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Một thông tin gây nhiều tranh luận những ngày qua, đó là kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, "cây ATM" những giải thưởng trên trường đua xanh bất ngờ xin giải nghệ.

Về lý do giải nghệ của cây ATM giải thưởng Việt Nam - 1

Có thể nói, Ánh Viên là "kho huy chương" của nền thể thao nước nhà. Nữ vận động viên (VĐV) sinh năm 1996 (Ba Cau, Giai Xuân, Phong Điền, TP Cần Thơ) này có kho thành tích rất đáng khâm phục.

Khi mới 19 tuổi, tại Seagame 28 - Singapore, Ánh Viên đã giành 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, phá 8 kỷ lục và được công nhận là vận động viên ngoài Singapore xuất sắc nhất, là người giành nhiều huy chương vàng thứ 2 sau vận động viên bơi lội nam Joseph Schooling của nước chủ nhà.

Thời điểm đó, Ánh Viên đứng thứ 25 thế giới cự ly 400m tự do của nữ và thứ 9 thế giới nội dung 400m hỗn hợp.

Tính đến thời điểm này, Ánh Viên từng giành 25 HCV SEA Games; 1 HCB và 1 HCĐ vô địch châu Á; 2 HCĐ Asiad; 2 lần tham dự Olympic… Đây là thành tích không phải VĐV nào cũng có được.

Vì thế hiện nay, được biết  lãnh đạo Tổng cục TDTT đang muốn thuyết phục Ánh Viên tiếp tục thi đấu, ít nhất là hết SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà. Về Ánh Viên cho biết, cô năm nay đã 25 tuổi và muốn tập trung hoàn thành việc học tại Trường đại học Thể dục thể thao TPHCM.

Đây cũng là nguyện vọng của gia đình Ánh Viên. Trao đổi với PV Dân trí, bố, mẹ và cả ông nội Ánh Viên đều mong muốn cô tiếp tục học hành và sớm lập gia đình riêng.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng lý do sâu xa, có thể Ánh Viên đã mất nhiều động lực thi đấu, khi thành tích của mình sụt giảm thời gian qua, đặc biệt là ở Olympic Tokyo 2020.

Tại giải này, Ánh Viên thi đấu không thành công. Cụ thể ở đường bơi 200m tự do nữ, Ánh Viên đạt thành tích 2 phút 5 giây 30 và dừng bước ở vòng loại. Còn ở nội dung 800m, Viên dừng chân ở vòng loại với thông số 9 phút 03 giây 56.

Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc Ánh Viên xin giải nghệ là điều hợp lý với riêng cô. Khi không còn phong độ để chinh phục những đỉnh cao thì việc giải nghệ là nên. Thành tích của thể thao là những con số cụ thể, là thắng thua ngay trên sàn đấu giữa thanh thiên, bạch nhật nên không thể "bám trụ kiên cường",  "thà chết còn hơn rời ghế" như ở một số lĩnh vực khác.

Song, nhìn ở trách nhiệm đối với cộng đồng, trách nhiệm công dân, tôi cho rằng Ánh Viên nên cân nhắc bởi theo lãnh đạo Tổng cục TDTT, "dù đã bước qua thời đỉnh cao nhưng Ánh Viên vẫn là VĐV có thể giành nhiều HCV nhất cho đoàn thể thao Việt Nam. Quan trọng hơn, nếu Ánh Viên giải nghệ ở thời điểm này, kế hoạch chuẩn bị của đội tuyển bơi sẽ bị xáo trộn lớn. Sau Ánh Viên, chưa có VĐV nữ nào đủ khả năng gánh trọng trách giành huy chương ở sân chơi khu vực".

Tóm lại, việc Ánh Viên tiếp tục thi đấu hay không phụ thuộc vào tính cần thiết và sự thuyết phục của Tổng cục TDTT, nhất là sự cảm nhận cũng như động lực của Ánh Viên. Nếu thấy còn đủ động lực cũng như năng lực, Ánh Viên nên tiếp tục tham gia hết SEA Games 31 và ngược lại, không nên tạo áp lực quá nặng nề lên VĐV này.

Bỗng thấy đồng cảm và sẻ chia với Ánh Viên cũng như các VĐV nói chung bởi thời gian đào tạo, luyện tập thường kéo dài với rất nhiều mồ hôi, công sức mà thời điểm vinh quang thường quá ngắn ngủi. Mới 25 tuổi, kình ngư Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên đã "gác kiếm" với vẻn vẹn khoảng 6 năm trên đấu trường quả là khắc nghiệt.