"Ánh Viên - Em đã có đủ huy chương cho cuộc đời mình rồi"
(Dân trí) - "Trong thế giới của những VĐV đỉnh cao, người ta không chấp nhận những kẻ kém cỏi" - đó là bài học đầu tiên mà những người dìu dắt Ánh Viên đã dạy cho cô từ năm cô 13 tuổi.
Thật ra, trước SEA Games 30, sau những đêm dài triền miên uống thuốc an thần, Ánh Viên đã từng gửi lên Liên đoàn Thể thao dưới nước một lá đơn xin giải nghệ. Lá đơn ấy đương nhiên không được chấp thuận, Ánh Viên vẫn đạt được 6 HCV và là VĐV giành được nhiều HCV nhất toàn khu vực Đông Nam Á trong kỳ SEA Games năm đó. Nhưng điều tôi nhớ nhất không phải là 6 HCV ấy, mà là hình ảnh Ánh Viên bật khóc nức nở trên bục nhận huy chương, mà gương mặt cô khi ấy, nhìn thế nào cũng không phải gương mặt của một người hạnh phúc với thành công của mình. Sau này, khi gặp nhau, Ánh Viên nói với tôi, tất cả những huy chương ấy không thể giúp cô chối bỏ một sự thật rằng cô đã qua thời kỳ đỉnh cao của mình và có thể sẽ không bao giờ tìm lại được nó nữa.
Ở kỳ Olympic này, Ánh Viên không đặt ra bất cứ mục tiêu nào. Cô nhận được một suất vé mời tham dự Olympic và đến đó với tâm thế của một vị khách tham quan, đứng ở gần đỉnh Olympia để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó, chứ không phải để chinh phục nó nữa.
Hơn một năm qua, thay vì những chuyến đi tập huấn nước ngoài một thầy, một trò với kinh phí vài tỷ đồng mỗi năm, Ánh Viên trở về tập luyện tại Trường Đại học TDTT TPHCM. Không còn HLV riêng, không còn chế độ ăn uống đặc biệt, Ánh Viên bây giờ tập trong một đội chung với 10 VĐV khác với một cô giáo hướng dẫn chung. Ánh Viên luôn chờ đợi sự sắp xếp của Liên đoàn suốt nhiều tháng qua, nhưng không có sự sắp xếp nào khác dành cho cô cả. Có lẽ là, thành tích giảm dần của Ánh Viên đã khiến Liên đoàn Thể thao dưới nước quyết định dành phần kinh phí ấy để đầu tư cho những VĐV khác trẻ hơn, tiềm năng hơn và Ánh Viên gần như tự xoay xở với những bài tập của mình.
Thực may là Ánh Viên đã đối mặt với nó một cách bình thản, hào quang trong quá khứ không cản trở cô chấp nhận hiện tại. Ánh Viên bảo với tôi: "Thể thao rất khắc nghiệt, mà vinh quang của nó là một vòng tròn, một ngôi sao tỏa sáng cũng ắt sẽ có ngày lu mờ, nhường chỗ cho một ngôi sao khác. Không ai đủ kiên nhẫn và chờ đợi một VĐV đã hết thời" - khi nói những lời này, Ánh Viên đã chấp nhận nhường sân chơi đỉnh cao cho người khác.
Không ai có quyền trách Ánh Viên vì cô đã xếp cuối bảng trong tất cả các nội dung thi mà cô tham gia ở Olympic Tokyo năm nay, bởi một lẽ Olympic vẫn là sân chơi quá lớn với Việt Nam. Một Ánh Viên đang loay hoay vì đánh mất phong độ và không nhận được sự đầu tư và hỗ trợ cần thiết sẽ không thể nào làm nên bất cứ phép màu nào, vì Olympic không phải là nơi dành cho những câu chuyện cổ tích. Nên thay vì nói về thành tích của Ánh Viên, ép cô phải thực hiện giấc mơ Olympic vốn vẫn ngoài tầm với của thể thao Việt Nam, thì có lẽ việc cô gái vàng của bơi lội Việt Nam sẽ xoay xở thế nào với cuộc sống trong tương lai, sau khi rời bỏ thi đấu đỉnh cao, sẽ thiết thực hơn nhiều.
Trong suốt sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình, Ánh Viên có 7 năm sống ở nước ngoài, có 7 ngày nghỉ phép mỗi năm, có 30 phút trò chuyện với bố mẹ mỗi tuần, cô bị cấm sử dụng điện thoại và Facebook, không được mặc váy, không được trang điểm, không được làm tóc, không được sơn móng tay. Nhiều người có thể biết việc Ánh Viên đã có 150 huy chương các loại, nhưng rất ít người có thể tưởng tượng rằng cô ấy không có dù chỉ một người bạn. Kỳ kinh nguyệt đầu tiên của Ánh Viên, thầy giáo cô là người đi mua từng gói băng vệ sinh. Người đàn ông khác giới duy nhất mà Ánh Viên giao tiếp trong 358/365 ngày/7 năm cũng chính là thầy giáo của cô.
Những con số rất ngắn gọn và lạnh lẽo nói lên một sự thật: Ánh Viên đã đánh đổi cơ hội sống một cuộc đời bình thường để đổi lấy 150 tấm huy chương cho chính cô và cho vinh quang của thể thao nước nhà. Ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm và trả lời cho câu hỏi: Ánh Viên (và nhiều VĐV Việt Nam khác) sẽ phải làm gì tiếp theo để trở lại với cuộc sống bình thường?
Ở những nền thể thao phát triển như Mỹ - quốc gia luôn nằm trong top đầu mọi kỳ Olympic, Chính phủ không bỏ tiền ra để đầu tư cho các VĐV. Nước Mỹ cũng không có bất cứ ngôi trường Đại học nào chuyên về Thể dục Thể thao. Thay vào đó, các trường đại học luôn có chính sách để thu hút những sinh viên có năng khiếu thể thao. Những công ty kinh doanh thể thao sẽ có trách nhiệm tìm kiếm nhân tài, nuôi dưỡng và đầu tư cho những VĐV ấy tham gia thi đấu đỉnh cao. Lợi nhuận của họ sẽ đến khi các VĐV này thành công và mang về các hợp đồng quảng cáo, tiếp thị. Và phần lợi nhuận đó được chia cho cả hai, trong một bản hợp đồng được ký với những điều khoản chặt chẽ.
Nhà nước không phải đầu tư dù chỉ một dollar vào đó, nhưng sẽ có nhiều quy định pháp luật để điều hòa mối quan hệ giữa VĐV với các doanh nghiệp thể thao, đảm bảo quyền cơ bản của VĐV không bị xâm phạm, để mọi thứ được phát triển bền vững. Điều quan trọng và nhân văn nhất là họ sẽ luôn đảm bảo cho mọi vận động viên sau khi giải nghệ đều có thể sống được bằng một nghề nghiệp khác, với tấm bằng đại học của mình.
Ánh Viên ở tuổi 24 tuổi vẫn có phần ngây ngô trong các mối quan hệ xã hội, chưa có mối tình đầu và thậm chí chưa hình dung hết được cách để sống độc lập khi không có HLV riêng của mình bên cạnh. Nhưng có lẽ cô vẫn là một trường hợp may mắn vì trong một năm qua, dù không được đầu tư để tiếp tục thi đấu đỉnh cao, nhưng cô lại có thêm thời gian để lần đầu tiên trong cuộc đời thiếu nữ của mình - bắt đầu có vài người bạn. May mắn vì, cô có nhiều huy chương, có nhiều tiền thưởng trong suốt những năm qua nhờ thành tích chói lọi của mình, nên nếu không thể trở thành HLV, Ánh Viên có thể dùng tiền đó để mở quán ăn như ước mơ mà cô từng chia sẻ. Hiện thực đó vẫn còn tốt đẹp hơn nhiều cựu VĐV không thể kiếm đủ tiền để lo cuộc sống đơn giản cho mình sau khi đã hi sinh tất cả những năm tháng đẹp nhất cho thể thao đỉnh cao.
Thế nên mặc kệ mọi người giờ phút này vẫn đang bàn tán về thành tích của Ánh Viên, mặc kệ việc Ánh Viên không bao giờ sử dụng điện thoại khi thi đấu, nhưng hôm qua, tôi vẫn nhắn cho cô một tin nhắn: "Em đã có đủ huy chương cho cuộc đời mình rồi. Hy vọng giờ là lúc em có thể tìm kiếm tình bạn và tình yêu".