Về lời “than thở” của bà Chủ nhiệm Lê Thị Nga!
(Dân trí) - Một quốc gia phát triển hay trì trệ, thậm chí sự hưng thịnh hay suy tàn của một thể chế phụ thuộc rất nhiều vào những luật lệ, qui tắc mà nó đề ra. Một bộ luật tiến bộ, khoa học, đất nước sẽ hung thịnh và tất nhiên, ngược lại.
Vì thế, có thể nói luật pháp là công cụ rất quan trọng đối với tất cả mọi quốc gia cho nên công tác soạn thảo, ban hành luật luôn được coi là tối quan trọng.
Thế nhưng gần đây (16/4), tại phiên thảo luận về luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình năm 2018 tại UB Thường vụ Quốc hội, bà Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đã nêu lên một thực trạng khá… “hài hước” trong quá trình xây dựng luật của ta. Trên báo Dân trí, bà Nga “than thở”:
“Hồ sơ dự án luật trình ra quá đơn giản, báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành luật cũ không ký, không đóng dấu, không biết là báo cáo của ai, của chuyên viên, Vụ trưởng, Thứ trưởng hay Bộ trưởng làm. Báo cáo đánh giá tác động của luật mới như… bản nháp. Vậy sao cơ quan thẩm định vẫn cho qua?”.
Lấy ví dụ dự án Luật Quản lý, phát triển đô thị trình UB Thường vụ Quốc hội ít ngày trước, bà Nga nhận xét, hồ sơ dày, ai cũng khen, nhưng trong đó có 6 tài liệu ở dạng… bản nháp, trong đó có báo cáo tổng kết và báo cáo đánh giá tác động, thuyết minh chi tiết. Dự án Luật Chăn nuôi, luật Trồng trọt trình Thường vụ phiên họp này cũng trong tình trạng tương tự.
Chết thật!
Theo quy định, một văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành phải bảo đảm chất lượng cả về hình thức và nội dung, rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu và chỉ được hiểu theo một ý. Với Thông tư - văn bản nhằm hướng dẫn thi hành luật thì càng phải cụ thể, rõ ràng, chính xác và không để tạo ra cách hiểu nước đôi, để rồi thực hiện thế nào cũng được.
Thế mà ở đây, theo lời bà Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội, người ngày ngày trực tiếp tiếp xúc và xử lý những việc liên quan đến văn bản pháp luật lại có những nhận xét như vậy thì thật là nguy hiểm.
Vì sao có hiện tượng đáng lo ngại này? Có lẽ có mấy nguyên nhân.
Thứ nhất, đó là sự tắc trách đối với công việc của không ít cán bộ, công chức. Họ không hoặc cố tình không muốn hiểu sự quan trọng của việc này đối với quốc gia như thế .
Thứ hai, sự yếu kém năng lực của một số cá nhân và điều này hoàn toàn có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào nếu như có tới 30% “vác ô” hoặc tứ “ệ” thì “trí tuệ” xếp ở cuối bảng.
Thứ ba, đó là hình thức kỉ luật khi để xảy ra tình trạng này chưa đủ sức răn đe. Vẫn là “bài ca” nhắc nhở, khiến trách hay… nghiêm túc kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc.
Hình như cho đến nay, chỉ mới Bộ NN&PTNT có hình thức xử lý kỉ luật với tác giả của quy định “bán thịt trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ” nhưng… rất nhẹ!
Có lẽ, đó cũng là nguyên nhân mà trên báo điện tử Đại biểu Nhân dân ngày 30.11.2017, bài “Sáng đúng, chiều sai, mai sửa” cho biết, một công bố mới đây của Bộ Tư pháp, có tới xấp xỉ 20% văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhưng vi hiến, trái luật.
Bùi Hoàng Tám