Về lời “nhắn nhủ” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với ngành giáo dục
(Dân trí) - “Chừng nào người dân còn quan tâm, ngành giáo dục còn may mắn”. Đó là lời nhắn nhủ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến ngành Giáo dục năm 2020.
Có thể nói từ nhiều năm qua, giáo dục đào tạo là ngành nhiều bức xúc, trăn trở và cũng là ngành nhận được không ít ý kiến chưa hài lòng. Lý do là bởi tầm quan trọng hàng đầu của giáo dục và đào tạo đồng thời cũng là ngành liên quan đến tất cả mọi người trong xã hội. Và tất nhiên, có cả lý do ngành chưa đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân.
Việc để có nhiều ý kiến bức xúc nhìn ở phía tiêu cực là điều không nên. Song, nhìn ở phía khác thì đó là điều “may mắn” như lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 31.10 vừa qua.
Công bằng mà nói, có thể do nhiều những vấn đề nổi cộm trong ngành như gian lận thi cử, bạo lực học đường, cơ sở vật chất còn sơ sài, chất lượng giáo dục chưa cao, bất cập trong sách giáo khoa, điều tiếng trong việc phong tặng chức danh giáo sư… đã phần nào làm khuất lấp đi những thành tựu của ngành này.
Khách quan nhìn nhận, dẫu ngành giáo dục đào tạo nước nhà còn rất nhiều việc phải làm và phải bàn, song cũng có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt là phản ứng hợp lý trong đại dịch Covid 19 với thành công trong niên học 2019 – 2020 và làm tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học, tuyển sinh đại học năm 2020.
Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về chỉ số Vốn nhân lực, Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển. Việt Nam đã gây bất ngờ lớn với kết quả vượt trội trong khi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn hẳn.
Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2020 so với 27 Huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015.
Gần đây nhất, việc có 8 trường đại học lọt vào TOP 500 trường hàng đầu Châu Á, 4 trường lọt vào TOP 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới, tuy chưa được lọt vào tốp 200 như mục tiêu Chính phủ đề ra từ năm 2007 nhưng cũng là thành tích đáng kỳ vọng, minh chứng cho sự đúng đắn của chủ trương tự chủ đại học.
Việc đào tạo nghề nghiệp mới đây do Bộ LĐTB&XH đảm nhiệm cũng đang hứa hẹn những thành quả đáng hi vọng.
Không thể nói khác, những thành tựu về giáo dục đào tạo đã góp phần to lớn vào quá trình nâng cao dân trí, giúp người dân tiếp cận nhanh hơn với khoa học kỹ thuật, từ đó, thực hiện tốt mục tiêu CNH – HĐH và bảo vệ Tổ quốc.
Chia sẻ với ngành, tại hội nghị nói trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tâm sự: “Giáo dục năm nào cũng có những chuyện nọ, chuyện kia. Nếu không thận trọng, chúng ta sẽ chỉ nhìn vào những vụ việc cụ thể. Có những cái trục trặc, mình mất niềm tin mà đòi xoá bỏ những kết quả. Có những chỉ số tốt, chúng ta lại lạc quan tếu. Do vậy cần bình tĩnh nhìn lại để có lòng tin tiếp tục phấn đấu". Đây là những lời rất chí tình của Phó Thủ tướng.
Về phía ngành giáo dục, dù đã thể hiện tinh thần cầu thị, song cần lắng nghe và lắng nghe hơn nữa, đặc biệt là không nên có tư tưởng kiểu “ngành giáo dục bị chê nhiều nên quen rồi” hay “ai chê chả được” mà buông xuôi.
Hãy suy nghĩ về lời nhắn nhủ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Chừng nào người dân còn quan tâm, ngành giáo dục còn may mắn. Những thứ mình làm được người dân hoàn toàn hiểu biết, còn người dân phê phán những thứ mình chưa làm được, có lúc rất gay gắt, đấy là còn thương mình, còn quan tâm đến mình”.
Hãy giữ vững niềm tin và coi sự quan tâm, bức xúc của người dân là niềm hạnh phúc bởi giống như với tình yêu, còn bức xúc là còn quan tâm, gắn kết còn một khi dửng dưng là "tình khô, duyên cạn"!