Về đề xuất xây dựng tượng đài vinh danh ngành y tế
(Dân trí) - Đó là đề xuất của ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM. Ngay lập tức, đề xuất trên đã gặp sự phản ứng từ hai phía, đồng tình và không.
Tại buổi họp về công tác giám sát các sở, ngành TP. HCM về việc thực hiện Nghị quyết số 42, Nghị quyết số 154 và Nghị quyết số 68 của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM ngày 23/9, đại biểu Ngân đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế và cho rằng nên xây dựng tượng đài vinh danh ngành y tế.
"Tôi nghĩ sau khi kiểm soát dịch bệnh, Trung ương và TPHCM nên xây dựng những tượng đài vinh danh ngành y tế. Trong các cuộc chiến, chúng ta vinh danh bộ đội, chiến sĩ giải phóng quân thì trong chống dịch cũng nên vinh danh ngành y tế", ông Ngân nói.
Xin ghi nhận tấm lòng tri ân của cá nhân ông đối với đội ngũ thầy thuốc trong kỳ đại dịch.
Nhìn lại gần 2 năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, y tế là một trong những ngành tiên phong, luôn có mặt nơi tuyến đầu chống dịch. Không thể phủ nhận sự hi sinh, vất vả cũng như những đóng góp to lớn và nỗ lực phi thường của đội ngũ thầy thuốc nước nhà. Họ xứng đáng là "những thiên thần áo trắng".
Song, đặt vấn đề xây tượng đài ở thời điểm này là có vẻ chưa thích hợp bởi mấy lẽ.
Thứ nhất, công cuộc phòng chống dịch là nhiệm vụ chung của tất cả các ngành, địa phương và nhân dân cả nước. Đặc biệt là những lực lượng cùng nằm trong tuyến đầu như quân đội, công an… và cả những đóng góp to lớn về tài chính của các doanh nghiệp. Việc vội vã đề xuất xây tượng đài vinh danh ngành y tế liệu có khiến các nơi khác "tâm tư".
Thứ hai, dịch còn có thể kéo dài, diễn biến phức tạp, chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Vả lại, kể cả sau khi dịch đã được kiểm soát thì công tác xử lý "hậu dịch" với các vấn đề về an sinh xã hội, việc làm… vẫn còn kéo rất dài. Vì thế, đề xuất xây tượng đài lúc này liệu có là vội vã?
Thứ ba, tiềm lực kinh tế chúng ta hiện tại và cả những năm sau dịch chắc chắn sẽ hết sức khó khăn. Chính phủ, Nhân dân đang gom góp từng đồng cho phòng chống dịch bệnh cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh nên đề xuất vào thời điểm này có lẽ chưa thích hợp.
Thứ tư, công cuộc phòng chống Covid-19 vẫn đang tiếp diễn mà đã vội tính đến công lao, tưởng thưởng thì… nó làm sao ấy.
Nhớ lại cách đây chưa lâu, khi dịch mới tạm lắng, 2 vị lãnh đạo của Hà Nội và Đà Nẵng được đề xuất thưởng Huân chương Lao động thì chỉ ít lâu sau, một người sa vòng lao lý và một người bị kỉ luật ở mức cảnh cáo.
Thứ năm, "hội chứng tượng đài" vẫn còn là nỗi "ám ảnh" trong dư luận nên việc đề xuất có gì đó thiếu thuyết phục lòng dân.
Có lẽ cách tốt nhất bây giờ là hãy trang bị cho đội ngũ thầy thuốc những phương tiện tốt nhất để họ chữa trị cũng như tránh bị lây nhiễm, đồng thời có chế độ đãi ngộ phù hợp để họ yên tâm làm nhiệm vụ mà không phải lo chuyện áo cơm.
Còn sau này, khi dịch kết thúc hoàn toàn, có thể sẽ xây một tượng đài vừa để tri ân đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch cũng như sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân đồng thời gửi thông điệp về một thời bi thương vì dịch bệnh mà nhân loại nói chung, Việt Nam ta nói riêng đã từng phải gánh chịu.
Tóm lại, theo tôi đề xuất xây tượng đài lúc này là chưa thích hợp!