Về chuyện “Cả nước say sưa – Từ trưa đến tối”!
(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến chiều tối ngày 1/2 (mùng 5 tết Đinh Dậu), đã có gần 4.500 người vào viện (34 người tử vong) do đánh nhau, trong đó có trên 800 người đánh nhau có liên quan đến rượu bia. Cũng theo Bộ Y tế, trong 6 ngày tết đã có 1100 người ngộ độc rượu hoặc say rượu bia mức nặng.
Về mặt nhậu mà nói, có lẽ dân ta chả kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Sản lượng hàng tỉ lít bia, hàng trăm ngàn lít rượu mỗi năm đã nói lên điều đó. Nhậu mọi lúc, mọi nơi từ Móng Cái đến mũi Cà Mau với đủ mọi lý do ái, ố, hỉ, nộ. Vui uống, buồn uống, yêu uống mà ghét cũng… uống.
Các đệ tử Lưu Linh trên toàn thế giới về cơ bản là giống nhau mà người xưa đã đúc kết thành “thất ẩm tửu – 7 loại người khi uống rượu”. Đó là tiên tửu, thánh tửu, hiền tửu, phật tửu, nhân tửu, cuồng tửu, cẩu tửu.
Theo đó, “tiên tửu”, “thánh tửu”, “hiền tửu”, “phật tửu” là những người biết uống vừa phải, đến độ “biêng biêng” là dừng. Song, nếu có “quá chén” một chút thì họ hưng phấn hơn, sôi nổi hơn và các hành vi cử chỉ thường là càng đẹp hơn, nhân văn hơn và yêu thương con người hơn. Đây là giây phút họ có thể thăng hoa, nhất là với nhà thơ, nhạc sĩ hay họa sĩ… đẻ ra những ý tưởng đầy sáng tạo mà lúc bình thường, họ không có được.
“Nhân tửu” thì khi say, họ thể hiện đúng bản chất con người của họ. “Cuồng tửu” được hiểu là những người bê bết vì rượu. Họ chỉ biết “Rượu, rượu, rượu và quên quên hết – Thơ Vũ Hoàng Chương”. “Cẩu (chó) tửu” là loại người có rượu là mất tính người, hung hãn và cắn càn…
Ở Việt Nam, một nhà thơ cũng là một trong những “đệ tử ruột” của thần tửu Lưu Linh đã có một đúc kết rất chính xác: “Sài Gòn nhậu tối - Hà Nội nhậu trưa – Cả nước say sưa – Từ trưa đến tối”.
Ông nhà thơ còn cho biết, không ít người Sài Gòn không nắm được “tập tính” này của người Hà Nội và ngược lại, cũng không ít người Hà Nội không biết được thói quen này của người Sài Gòn và hậu quả là nhiều cuộc nhậu có nguy cơ… đổ vỡ.
Lý do là bởi miền Nam nắng nóng quanh năm nên nhậu vào buổi tối, khi khí trời dịu mát là thích hợp nhất. Ngược lại, miền Bắc mùa đông thường lạnh, nhất là các tháng cuối năm, cái rét cắt da cắt thịt khiến người ta không muốn bước ra khỏi nhà.
Nguyên nhân thứ hai có lẽ do người Sài Gòn làm ra làm mà nhậu ra nhậu. Cái lối nhậu “tới bến” này mà diễn ra vào buổi trưa là toi mất cả ngày và kéo đến hết đêm. Hà Nội thì khác. Dân Hà Nội phần nhiều là công chức, làm lằng nhằng mà nhậu cũng lằng nhằng nên không ít cuộc nhậu kéo dài từ trưa sang 3 – 4 giờ chiều để rồi đảo về cơ quan làm dăm ba việc, chấn chỉnh tư trang, dung mạo cắp cặp về nhà như vừa đi… cơ sở.
Nguyên nhân thứ ba có lẽ do đàn ông Hà Nội “tinh ranh” nên rất chú trọng bữa cơm gia đình buổi tối. Đi đâu thì đi, làm gì thì làm nhưng buổi tối là dứt khoát về nhà quây quần quanh mâm cơm kiểu thực hiện chính sách “hậu phương” với vợ.
Đàn ông Hà Nội nhậu đâu thì nhậu, say mấy thì say nhưng vẫn nhớ điện về cho vợ “phần cơm anh nhé” để rồi khi ngật ngưỡng bước qua khung cửa là xì xúp bát nước rau muống luộc, miệng rối rít khen nước rau vợ luộc sao… ngon thế. Có lẽ về khoản này, đàn ông Sài Gòn ít “kinh nghiệm” hơn và phụ nữ miền Nam cũng ít “sư tử Hà Đông” hơn chăng?
Một nguyên nhân nữa là người Hà Nội thường đã về nhà là không muốn đi đâu vì đường xá đông đúc, chật chội và bụi bặm. Cái ngõ nhỏ, hun hút lúc nào cũng đông người lách được cái xe ra ngoài là cả một sự kiện.
Có một đặc điểm người Hà Nội khác nữa người Sài Gòn thích mời khách đến nhậu ở nhà nhưng người Hà Nội thì ngược lại, chỉ thật thân thiết mới mời nhau đến nhà còn chủ yếu là kéo nhau ra hàng quán. Lý giải điều này có lẽ do người Hà Nội giàu thì kín đáo, không muốn phô trương, sợ người khác nhờ vả hay suy diễn mà nghèo thì muốn giấu đi bởi “xấu xa đậy điệm”. Giờ thì chả ai muốn khoe cái nghèo, cái khổ của mình còn đối với các vị có chức, có quyền thì việc đến nhà gần như là quá hiếm bởi tài sản là… bí mật.
Trở lại với chuyện “cả nước say sưa”, nhậu sẽ là văn hóa (văn hóa ẩm thực) nếu nó xảy ra trên nền tảng văn hóa và ngược lại, nó sẽ là vô văn hóa, thậm chí, sẽ thành “văn hóa cuồng”, “văn hóa cẩu” mà hậu quả là hàng trăm vụ đánh nhau chỉ trong mấy ngày tết như đã nói ở trên, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám