Về biển quảng cáo đường Lê Trọng Tấn, mình đồng tình với GS Châu!

(Dân trí) - Dứt khoát không để tái diễn kiểu quảng cáo lôm côm, vô tổ chức, mạnh ai nấy làm. Không để những tấm biển phản cảm trên mọi chất liệu, từ tấm giấy cacton đến mành tre, hộp xốp. Đặc biệt, không để xuất hiện những tấm bảng biển sai chính tả kiểu “nòng nợn nuộc”, “trứng gián”...


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một sự việc gây tranh luận “dữ dội” trên nhiều trang báo những ngày qua, đó là xung quanh qui định về hình thức các biển, bảng quảng cáo trên đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cái con đường trước đây nổi tiếng bởi nạn kẹt xe và úng lụt, giờ đây lại tiếp tục nổi tiếng vì cái qui định này.

Trước khi bàn về những tấm biển quảng cáo, có lẽ cũng nên nói đôi chút về cái con đường đã cùng với đường Định Công đi vào văn học dân gian bằng câu “Sáng cũng như trưa, nắng cũng như mưa, ngày nào cũng kẹt”. Nó “đáng sợ” đến độ “giai cấp taxi” đã truyền nhau câu lục bát: “Đừng Lê Trọng Tấn, Định Công – Nếu chui vào đấy là không lối về”.

Còn nhớ nhân dịp tết Nguyên đán Ất Mùi (2015), ông Phạm Quang Nghị khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội đến thăm Nhà thơ Vũ Quần Phương (lúc đó ông Phương còn ở Khu đô thị Định Công). Sau thủ tục xã giao, ngồi chưa đầy một phút, Nhà thơ Vũ Quần Phương hỏi Bí thư Phạm Quang Nghị: “Anh đến đây có bị tắc đường không?”.

Tất nhiên, Bí thư đi có xe dẫn đường nên ông Nghị nói: “Không, anh ạ!”. Nhà thơ Vũ Quần Phương cười hóm hỉnh: “Bà con ở đây chỉ mong anh tắc đường…”. Rồi ông Phương báo cáo: “Thưa anh, con đường vào đây ngày nào cũng tắc. Trong khi đó, con đường Vành đai 2,5 khởi công đã 12 năm rồi”.

Có lẽ cũng cần nói thêm về con đường Vành đai 2,5 này. Nó đã được qui hoạch từ cách đây khoảng 30 năm nên người dân gọi là “Con đường hai thế kỉ”. Ông Phương nói 12 năm (2003) là năm chính thức khởi công.

Giờ đây, sau khi đường Lê Trọng Tấn hoàn thành, người dân rất mong TP Hà Nội triển khai mạnh mẽ con đường vành đai này, tránh tình trạng làm cầm chừng kiểu “đối phó” như lâu nay. Thậm chí, nếu thấy nhà thầu không đủ năng lực, nên thay thế, không để hàng vạn người dân Định Công nói riêng, nhân dân Thủ đô nói chung bị trì trệ bởi sự yếu kém hay tắc trách của một cá nhân, một nhóm người nào đó.

Trở lại với cuộc tranh luận về những tấm biển quảng cáo trên đường Lê Trọng Tấn.

Có lẽ cũng sẽ là không phải nếu không nhắc đến những nỗ lực của lãnh đạo Quận Thanh Xuân, của UBND TP Hà Nội và Bộ Quốc phòng trong việc giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thi công và bước đầu nhận thấy chất lượng con đường tốt.

Về những tấm biển, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau. Một bên cho rằng qui định như vậy là phản cảm, cứng nhắc, là hạn chế quyền kinh doanh, là độc đoán…

Ngược lại, một bên cho rằng qui định như vậy là đúng, cần phải đưa vào kỉ cương, tôn trọng quyền tự do kinh doanh nhưng không vì quyền tự do của người này mà làm ảnh hưởng đến tự do của người khác. Dứt khoát không để tái diễn kiểu quảng cáo lôm côm, vô tổ chức, mạnh ai nấy làm. Không để những tấm biển phản cảm trên mọi chất liệu, từ tấm giấy cacton đến mành tre, hộp xốp. Đặc biệt, không để xuất hiện những tấm bảng biển sai chính tả kiểu “nòng nợn nuộc”, “trứng gián”...

Song, đáng chú ý là việc bày tỏ của Giáo sư Ngô Bảo Châu khi ông viết trên Facebook cá nhân:

"Các bạn mình thi nhau chê phong cách của dãy phố buôn bán mới. Cá nhân tôi rất hoan nghênh cố gắng của Hà Nội. Bước đầu trông nó sẽ hơi ngồ ngộ, quê quê. Nhưng ít ra nó cũng có vẻ gọn gàng, cũng có vẻ có chút năng lượng. Người dân và chính quyền ít nhất cũng tỏ ra có cố gắng cho một đô thị ngăn nắp.

Đi dọc phố phường Hà Nội, cả phố cũ và phố mới, chỉ thấy người người, nhà nhà làm biển quảng cáo mỗi ngày một to hơn, biển mới đè lên biển cũ, biển cũ rách rồi cũng chẳng ai buồn tháo đi.

Phố Huế yêu quý của tôi ngày một giống phố quê luộm thuộm mà con người ở đó chỉ còn biết chép miệng với một cuộc sống ngày một xập xệ.

Việc dễ nhất trong công cuộc chỉnh trang bộ mặt đô thị là quy định kích cỡ, gam màu, mẫu chữ cho biển báo ở từng khu phố buôn bán. Dường như Hà Nội đã bắt đầu quan tâm đến việc này. Có muộn còn hơn là không làm.

Tất nhiên có nhiều gam màu khác nhau, không nhất thiết cứ phải cơ bản như thế này".

Về việc này, mình đồng tình với quan điểm của GS Châu, còn các bạn?

Bùi Hoàng Tám