Về băn khoăn "ký mỏi tay vì khen thưởng" của Chủ tịch nước
(Dân trí) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định "có hiện tượng "chạy" thành tích". Bởi vì, khen thưởng ngoài tăng cơ hội thăng tiến, sẽ có nhiều cái "được" lâu dài…
Trong cuộc thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về dự án Luật Thi đua khen thưởng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện chỉ tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú ý phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ. Chủ tịch nước còn chỉ ra rằng, có hiện tượng "chạy thành tích", dùng thành tích khen thưởng để thăng tiến, nâng lương, tăng cấp hàm.
"Một số ngành tôi ký quá mỏi tay vì khen thưởng quá nhiều", Chủ tịch nước băn khoăn.
Nhiều người được khen thưởng, đáng lẽ ra người đứng đầu Nhà nước phải vui mới đúng chứ, nhưng Chủ tịch nước không khỏi băn khoăn và đã bắt bệnh đúng và trúng về hoạt động khen thưởng trong thời gian qua.
Khen thưởng là ghi nhận của các cấp, các ngành, của Trung ương về thành tích trong thực hiện nhiệm vụ của một cá nhân, tập thể. Khen thưởng là tiêu chí để người chưa được khen thưởng cố gắng, phấn đấu hơn nữa trong công tác.
Một thực tế nhiều người thấy nhưng không phải ai cũng dám nói, đó là có những nơi, những cơ quan, đơn vị khen thưởng không ít "rơi" vào cán bộ quản lý, theo kiểu "đường sữa từ trên xuống".
Tất nhiên, người lãnh đạo, chỉ huy giỏi sẽ chèo chống đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan tiến lên. Nhưng không có nghĩa là cán bộ cấp dưới, người lao động trực tiếp không có thành tích, không xứng đáng được khen thưởng.
Khen thưởng là tiêu chí để xem xét nâng lương, thăng quân hàm trước niên hạn, nâng bậc xếp hạng nghề nghiệp và nhiều cái "được" về sau. Bởi vậy, không khó hiểu khi có hiện tượng "chạy thành tích" khen thưởng như Chủ tịch nước đã chỉ ra.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược luôn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Mỗi người, với trách nhiệm và khả năng của mình đã đóng góp hiệu quả, từng bước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.
Không thể nói người chỉ góp một con gà, vài bó rau lòng nhân ái ít hơn người góp cả trăm triệu, bởi có khi một con gà ấy là tài sản có giá trị nhất của gia đình họ. Không phải người âm thầm hỗ trợ tại các khu vực cách ly lại ít hiểm nguy hơn những người ở tuyến đầu.
Bởi vậy, khen ai hay không khen ai và khen thưởng như thế nào cho phù hợp là điều không hề đơn giản, ngoài mở rộng các tiêu chí để bao trùm đối tượng khen thưởng, đòi hỏi phải có sự khách quan, vô tư của người làm công tác thi đua khen thưởng.
Thực tế những vụ đại án trong thời gian vừa qua, đã có nguòi đã từng được tuyên dương anh hùng đã trở thành tội phạm và không ít nguòi đang ở tù có rất nhiều danh hiệu thi đua. Tất nhiên, làm tốt thì được khen và làm sai thì phải bị xử lý, không ai có thể vỗ ngực tuyên bố tôi suốt cả đời chỉ làm tốt, không bao giờ làm sai.
Bởi vậy, mỗi cá nhân được khen thưởng, trước hết phải biết giữ mình, phải biết tự trọng và lấy thành tích khen thưởng làm tấm gương tự soi mình, răn mình, để thực sự xứng đáng với sự khen thưởng ấy. Được khen thưởng không chỉ là niềm tự hào mà còn gắn liền với trách nhiệm, chứ không chỉ để làm "tình tiết giảm nhẹ" khi vướng vòng lao lý.
Để khen thưởng đúng người, trúng việc, quy trình xét duyệt, thẩm tra, thẩm định hồ sơ phải chặt chẽ hơn, quy định rõ trách nhiệm của người đề xuất, xét duyệt, trình hồ sơ khen thưởng. Có như vậy mới có thể hạn chế được sự nể nang, tiêu cực trong khen thưởng, biến khen thưởng thành cuộc "chạy thành tích" của các cá nhân, cơ quan, đơn vị.
Khen thưởng đúng và trúng sẽ tạo được phong trào thi đua thực chất. Khen thưởng không thể tách rời phong trào thi đua. Từ phong trào thi đua, sẽ lựa chọn được những hạt nhân xứng đáng, đủ đức, đủ tài, có thành tích nổi bật để khen thưởng.
Khi phong trào thi đua được tổ chức và phát động rộng khắp, mạnh mẽ sẽ là chiếc sàng lớn để "đãi vàng", phát hiện, lựa chọn và khen thưởng người xứng đáng.