Vàng mã (giả), cái gì mới là thật?
(Dân trí) - Cứ chuẩn bị đến Rằm tháng Bảy âm lịch (lễ Vu lan) hàng năm, những chuyến xe chở hàng mã lại tấp nập xuôi ngược.
“Trần sao âm vậy”, ấy là câu nói cửa miệng đại diện cho một tập tục, một quan niệm đã ăn sâu trong tiềm thức người Việt. Nhiều người thấy người khác mua về đốt, cũng làm theo. Thấy người ta sắm xe máy, ô tô, mình cũng sắm thêm nhà lầu, biệt thự.
Chẳng biết ông bà xưa có dùng điện thoại di động, iphone, ipad, đeo đồng hồ, xách túi hàng hiệu hay không, nhưng nay con cháu “gửi sang cõi âm” chẳng thiếu thứ gì, cập nhật đến cả “model” mới nhất.
Phản ánh trên Dân trí (ngày 22/8) tại làng vàng mã xã Song Hồ (Bắc Ninh) - thủ phủ sản xuất, buôn bán vàng mã cũng cho thấy rằng, ở đây chẳng mặt hàng nào mà không có: từ biệt thự, xe hơi, điện thoại, tivi, thậm chí cả máy bay, du thuyền. Hàng hoá được buôn may, bán đắt quanh năm.
Rồi thậm chí, ở thời đại “mua bán online sầm uất” như hiện nay, các sản phẩm vàng mã còn được rao bán rầm rộ trên cả các trang thương mại điện tử. Từ những mặt hàng “truyền thống” như tiền giấy, quần áo vàng mã cho đến bỏng ngô, bánh kẹo.
Năm nay, nắm bắt xu hướng giá vàng “leo thang” chóng mặt, ấy thế là “vàng thỏi”, “vàng miếng” cũng được sản xuất ồ ạt để người mua kịp thời “đốt vàng” cung ứng cho thế giới bên kia.
Cả một thị trường vàng mã phục vụ nhu cầu người cõi âm là vậy, nhưng nếu hỏi, tục lệ ấy xuất phát từ đâu, có từ lúc nào, ý nghĩa ra sao, lại chẳng mấy ai nghĩ đến.
Mà đa phần cũng không ai có nhu cầu tìm hiểu, thắc mắc nhiều lại sợ bị “quở” cho, chung chung là “tục lệ ông cha từ xa xưa để lại”! Thế nên là năm này qua năm khác, rằm này, tiết nọ, nhiều tấn vàng mã lại được đốt về trời.
Bàn về nguồn gốc của tục đốt vàng mã, trên trang web của Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định với các Phật tử rằng, tục lệ này không xuất phát từ Phật giáo mà do ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa.
Hoà thượng Tố Liên, một bậc danh tăng, từ hơn 50 năm trước đã khảng khái: “Xin hỏi giới trí thức Việt Nam hiện tại tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào? Nếu các ngài tìm thấy, bần Tăng này xin can tâm vào địa ngục để chịu lấy tội vong hữu”.
Hiểu về nguồn gốc, để mỗi người tự có cách ứng xử của riêng mình. Người viết không lên án, đả kích, cũng không bài xích vì đó là quyền cá nhân (mà sâu xa còn gắn với sự hưng thịnh của một ngành nghề sản xuất, còn là công ăn việc làm của một bộ phận người lao động).
Có điều, ai cũng thấy rõ ràng, tiền vàng mã là tiền giả, đồ vàng mã là đồ giả, nhưng tiền mua vàng mã là tiền thật. Nên đốt vàng mã, cũng chẳng khác gì đốt tiền thật cả!
Đó là chưa nói tới những ảnh hưởng, hiểm hoạ khủng khiếp của hoạt động đốt vàng mã đến môi trường. Hàng loạt vụ cháy rừng lớn ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế… gần đây, nguyên nhân được cho cũng là do đốt vàng mã. Vàng mã là giả, thiệt hại là thật.
Cái “giả” ở vàng mã là thường tình, cái “giả” ở nhân tâm mới đáng buồn hơn cả. Vào đền chùa, chẳng thiếu những cảnh dùng vàng mã để “hối lộ” người âm, mua thần bán thánh. Đau lòng hơn nữa, lại có những gia đình ngày Rằm, ngày Tết mâm cao cỗ đầy, vàng mã gánh gồng đốt mịt mù… dâng cha mẹ, nhưng biết đâu lúc cha mẹ còn tại thế lại không ai đoái hoài.
Trong lời hát của bài “Phụ tử tình thâm” mà người xứ Nghệ chúng tôi thường ngâm có đoạn:
“Một mai ra bách tuế, thì cây úa lá vàngRụng xuống cội đại ngànCon tìm đâu được nữa, con đâu tìm được nữaKhi sắp bày hương lược, khi vô vái ra quỳChẳng thấy thầy ăn chi, chẳng thấy mẹ ăn chiChỉ thấy ruồi với ruồi, chỉ thấy ruồi với kiến
Khi thành tâm cầu nguyện, thầy mẹ chẳng đoái hoài”
Thế nên, thương cha thương mẹ thì hãy cố gắng báo hiếu khi cha mẹ vẫn còn nơi dương thế. Cha mẹ mất rồi mà lòng người nguội lạnh, đốt vàng đốt bạc liệu có ích gì không?
Tương tự, trong quan hệ giữa người với người cố gắng làm sao “tốt đời, đẹp đạo”, tử tế với nhau, quan tâm nhau lúc còn ở kiếp sống này, để dẫu mai này âm dương đôi ngả, thương nhớ về người đã khuất không còn ân hận điều gì.
“Rằng phụ từ tử hiếu ai ơi
Làm con trọn đạo, nhắc ai hãy ghi lòng!”