U19 Việt Nam: Thành quả cho những người dũng cảm
(Dân trí) - Bóng đá Việt Nam vài ba năm trở lại đây bỗng tồn tại quan điểm “đá đẹp có... thua cũng được”. Chính đội tuyển U19 Việt Nam từng bị chỉ trích vì chơi không đẹp. Để rồi giờ thì người ta chợt nhận ra rằng may mà đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn dám bảo vệ quan điểm của mình.
Thật ra thì đội tuyển U19 Việt Nam cũng không còn chỗ để theo đuổi suy nghĩ phải đá đẹp, bởi đơn giản họ phải tận dụng mọi khoảng không gian và thời gian có được để cố gắng đưa bóng đến khung thành đối phương càng nhanh càng tốt.
Và đối phương thì quá mạnh so với mặt bằng trình độ của bóng đá Việt Nam nói chung, nên mang bóng được đến khung thành của họ đã là khó rồi, ghi bàn vào lưới họ càng khó hơn, còn thời gian đâu mà tính đến chuyện đẹp hay không đẹp!
Ở đây, cũng cần phải rạch ròi khái niệm “chơi đẹp” được cảm thụ trong hoàn cảnh nào? Dưới góc độ nào? Một lối chơi an toàn nhất có thể trước những đối thủ đều cao to hơn, nhanh hơn, khoẻ hơn và có trình độ cao hơn không thể nói là không đẹp.
Các pha phản công cực kỳ chớp nhoáng, theo hướng ít chạm nhất, hiệu quả nhất không thể nói là không khoa học và cũng khó mà bảo rằng đấy không phải là nghệ thuật!
Đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn đã chơi lối chơi như thế ở đấu trường châu Á, để giờ làm ngất ngây hàng triệu con tim Việt bằng tấm vé lịch sử: Dự giải U20 thế giới.
Chưa dám nói đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn có phải là đội bóng đá hiện đại nhất mà bóng đá Việt Nam từng có hay không nhưng có một điều chắc chắn rằng, đây là đội bóng thành công nhất của bóng đá nội từ trước đến giờ, tính ở cấp độ giải vô địch châu Á trở lên.
U19 Việt Nam đến với đất Bahrain trong những ngày đầu dường như có sự thờ ơ phần nào của người hâm mộ. Quá ít người tin họ, cũng như có quá ít người ủng hộ lối chơi mà HLV Hoàng Anh Tuấn áp dụng, thông qua những khán đài lạnh ngắt ở sân Hàng Đẫy cách nay vài tuần lễ, lúc U19 Việt Nam dự giải Đông Nam Á trên sân nhà.
Nhiều người không ủng hộ lối chơi do HLV Hoàng Anh Tuấn xây dựng vì thoạt nhìn lối chơi đấy không... đã mắt. Nhưng “đã” hay không “đã” thì giờ hẳn đã có câu trả lời: Còn niềm hạnh phúc nào bằng việc đàng hoàng tham dự giải vô địch thế giới bằng cổng chính? Còn vinh dự nào bằng việc được góp mặt ở nấc thang cuối cùng của bóng đá thế giới trước khi họ bước lên đỉnh cao?
VCK World Cup U20 qua các thời kỳ là nơi mà từ đấy những Maradona, Rui Costa, Figo, Joao Pinto, Messi, Aguero... vươn mình trở thành ngôi sao lớn. Liệu góp mặt ở sân chơi đấy, đứng cạnh những ngôi sao cỡ đó có “đã” hơn việc phô diễn vài đường bóng kỹ thuật, cùng quan điểm “đá đẹp có... thua cũng được”, rồi đứng trước nguy cơ bị loại hay không?
U19 Việt Nam vừa tạo được kỳ tích, nhưng không phải là câu chuyện thần thoại, mà là thành quả của những người dám ước mơ, biết cách thực hiện ước mơ và dám dũng cảm bảo vệ quan điểm về lối chơi của mình, đi theo con đường riêng mà mình đã vạch sẵn, thay vì ngả nghiêng với trước những quan điểm nhiều chiều.
Thể thao đỉnh cao là phải cạnh tranh, bóng đá tự thân nó đã là môn chơi mang tính đối kháng, nên không thể nói thành tích không quan trọng. Càng không thể cho rằng chỉ cần đá đẹp mà không màng đến thành tích. Quan điểm đấy, có thể khiến người ta lẫn lộn giữa thể thao với... thể dục.
Chưa cần quan tâm đến kết quả của trận bán kết với Nhật Bản như thế nào, có thể trả lời ngay rằng đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn đã thành công, thành công rất lớn rồi! Thành công về mặt thành tích, thành công trong việc thay đổi quan điểm cảm thụ cái đẹp của một bộ phận người xem tồn tại suốt vài ba năm qua.
Thế thì hà cớ gì chúng ta không hết lòng cổ vũ để biết đâu, họ lại chẳng bước lên đỉnh cao nhất của một giải đấu mang tầm cỡ này?
Đành rằng hi vọng này rất mỏng manh nhưng chúng ta có quyền hi vọng. Bằng chứng là đội bóng U19 của chúng ta đã làm được những điều mà chỉ mới đây thôi, ngỡ là điều không tưởng, phải không các bạn?
Trọng Vũ