Từng có người ứng cử bị bệnh tâm thần phân liệt

(Dân trí) - Đó là thông tin của ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tại cuộc họp báo cáo tiến độ công tác bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra chiều 4-3 tại TPHCM.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chỉ hơn hai tháng nữa, cả nước bước vào cuộc bầu cử Quốc hội để chọn ra những người “đủ tâm, đủ tầm, đức, tài và thực sự vì dân, vì nước” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp lần thứ XI Quốc hội khóa XIII, ngày 8/3 vừa qua ở Tổ bầu cử số 1.

"Dân chỉ mong có thế, Đảng cũng chỉ mong có thế. Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước những phần tử thế này thế khác”. Ông Trọng nói.

Đây cũng là sự lo ngại và mong mỏi của cử tri cả nước bởi công bằng mà nói, nhiều nhiệm kỳ Quốc hội tuy đã bầu được những người ưu tú nhất, song, chất lượng đại biểu chưa thật đồng đều.

Vẫn còn để lọt vào Quốc hội những đại biểu chưa đủ tâm, đủ tầm, đủ tài, đủ đức và thực sự vì dân, vì nước như yêu cầu trên của Tổng Bí thư.

Thậm chí, có cả những đại biểu bị bãi miễn vì man khai lý lịch.

Đã có đại biểu bị truy tố vì tham nhũng, tiêu cực.

Đã có đại biểu nói năng thiếu kiềm chế, thiếu văn hóa, xúc phạm đến danh dự của đại biểu khác.

Có không ít những đại biểu nhiều nhiệm kỳ “không phát biểu gì” như lời của nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hà Thị Liên.

Đặc biệt, theo báo Tuổi trẻ ngay 4/3, tại cuộc họp báo cáo tiến độ công tác bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra chiều 4-3 tại TPHCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử thành phố cho biết TPHCM sẽ chính thức đề xuất Hội đồng Bầu cử Quốc gia quy định ứng viên ứng cử ĐBQH và ĐB.HĐND phải có giấy chứng nhận sức khỏe.

Lý do bà Tâm đề xuất ý kiến này có lẽ bởi theo ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết, ở TPHCM đã từng xảy ra trường hợp người tham gia ứng cử được bác sĩ kết luận là bị tâm thần phân liệt thể khiếu kiện.

Song, đây không phải là đề xuất mới bởi trước đó, tháng 11/2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) đã có đề xuất tương tự. “Khám sức khoẻ cho người được giới thiệu hoặc ứng cử đại biểu Quốc hội không phải như khám sức khoẻ lái xe, mà phải có trắc nghiệm về trình độ và thần kinh, tâm lý. Nếu tâm thần mà không ổn định thì hậu quả nhiều khi khó giải quyết vì nhiệm kỳ kéo dài tận 5 năm". Ông Nghĩa nói

Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước như hòa bình hay chiến tranh, đồng thời là cơ quan giám sát cao nhất. Vì thế, việc chọn ra những đại biểu không chỉ tiêu biểu về đạo đức mà còn phải thật sự có trí tuệ, có tầm nhìn, tư duy chiến lược, có năng lực cụ thể hoá đường lối, chính sách và chiến lược phát triển đất nước và đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ.

Một đất nước phát triển thì phải có một Quốc hội trí tuệ.

Muốn có một Quốc hội trí tuệ thì mỗi đại biểu cần phải có trí tuệ.

Không đủ trí tuệ, không thể có những quyết định sáng suốt.

Không đủ trí tuệ không thể làm tốt công tác giám sát.

Không đủ trí tuệ, không thể đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Muốn có trí tuệ thì trước hết, hãy sàng lọc thật kỹ, đặc biệt là không lọt những bệnh nhân tâm thần trong danh sách ứng cử như đề nghị của các đại biểu nói trên, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám