Không ai muốn bầu cho đại biểu "bao nhiêu khóa không phát biểu gì"

(Dân trí) - Cử tri khi bầu người đại diện cho mình là mong muốn đại biểu nói lên tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc của mình. Nếu như “không thấy phát biểu gì” tức là đại biểu đó chưa hoàn thành trách nhiệm với cử tri.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Vấn đề nhân sự Đại biểu Quốc hội đang nóng lên trên nhiều diễn đàn truyền thông, báo chí. Có thể có những ý kiến khác nhau về các khía cạnh, song có một điều cơ bản rất giống nhau, đó là đều mong muốn có một nhiệm kỳ Quốc hội mà ở đó, hội tụ được những tinh hoa của đất nước, xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước đồng thời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng và ý chí của nhân dân.

Theo Báo Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), tại hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV vừa qua, các Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBT.Ư MTTQ Việt Nam đã có nhiều ý kiến tâm huyết liên quan đến dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng bầu ĐBQH khóa XIV.

Trong đó, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hà Thị Liên,cho rằng, dự kiến cơ cấu, thành phần phải bảo đảm yêu cầu cao nhất, tránh tình trạng có ĐBQH được bầu đúng thành phần nhưng bao nhiêu khóa “không có tiếng nói nào”.

“Phải lựa chọn những đại biểu đạt tiêu chuẩn, vì nhiều đại biểu được bầu cho đủ cơ cấu, số lượng nhưng không có đóng góp gì cho Quốc hội, làm cho Quốc hội yếu đi. Nhiều khi cứ bầu cho đủ cơ cấu là nữ, là người dân tộc… nhưng có người đi họp bao nhiêu khóa mà không thấy phát biểu gì”. Bà Liên nói.

Việc đại biểu Quốc hội ở ta “họp bao nhiêu khóa mà không thấy phát biểu gì” không lạ. Thậm chí, đã từng có những phiên thảo luận phải nghỉ sớm vì không có ai “phát biểu gì”. Nhìn lại những gương mặt hay “có ý kiến”, có lẽ cũng chỉ đếm “trên đầu ngón tay” như ĐB Trần Du Lịch, Lê Văn Cuông, Lê Thị Nga…

Trước đây, trên diễn đàn Quóc hội đã từng có câu “thành ngữ”: “Nhất Thước” (ĐB Nguyễn Quốc Thước), Nhì Lân (ĐB Nguyễn Lân Dũng), Tam Trân (ĐB Nguyễn Ngọc Trân), Tứ Quốc (ĐB Dương Trung Quốc)”, sau này khi Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nghỉ, vị trí thứ nhất được thay bằng Nhất Thuyết (ĐB Nguyễn Minh Thuyết)…

Với cơ chế của ta (và có lẽ không chỉ Việt Nam), “vũ khí” duy nhất, mạnh mẽ nhất của đại biểu Quốc hội là bày tỏ thái độ (có thể thể hiện qua tiếng nói hoặc bấm nút). Nói một cách khác, người dân bầu lên và trả lương cho đại biểu là để tranh luận, nêu chính kiến và thể hiện chính kiến qua tranh luận và bấm nút.

Tại các phiên truyền hình trực tiếp, cử tri luôn theo dõi và lắng nghe xem đại biểu, người mà mình bầu lên thể hiện thái độ như thế nào.

Người dân không muốn và không chấp nhận những ông (bà) mà dân gian nói là “nghị gật”. Nói như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với công chức, đó là những người “”sáng cắp ô đi, tối cắp về, “có cũng được mà không cũng được”.

Vì sao lại có những đại biểu “có cũng được mà không cũng được”, kiểu “cả nhiệm kỳ không thấy phát biểu gì”?

Có thể có nhiều nguyên nhân như đại biểu còn e ngại, không “quen” nói trước đông người. Có thể có những đại biểu chưa quen với văn hóa tranh luận“ tại nghị trường. Cũng có thể có những đại biểu chưa hiểu rõ vấn đề, sợ nói ra lại “hố” và có thể có cả những đại biểu “mũ ni che tai”, kiểu “ngậm miệng ăn tiền”, nói ra sợ đụng chạm, sợ bị bẳt bẻ…

Khi bàn về vấn đề này, ĐB Dương Trung Quốc nói đại để phát biểu chính là nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội.

Đây là ý kiến rất đáng suy nghĩ vì không “nói” tức là chưa hoàn thành trách nhiệm của đại biểu trước cử tri.

Cũng công bằng, chúng ta chưa có “văn hóa tranh luận” một cách khoa học. Tức là chấp nhận ý kiến nêu ra có thể đúng, có thể chưa đúng hoặc thậm chí có thể sai. Mà có đúng, có sai mới cần tranh luận còn nếu như “duy nhất đúng”, 100% đúng thì thảo luận, tranh luận làm gì?

Vả lại, cử tri khi bầu người đại diện cho mình là mong muốn đại biểu nói lên tâm tư, nguyện vọng và cả những bức xúc của mình. Nếu như “không thấy phát biểu gì” tức là chưa hoàn thành trách nhiệm với cử tri.

Có lẽ trên tinh thần công khai, dân chủ, Quốc hội nên có bản tổng kết cho mỗi đại biểu. Ai nói gì, nói như thế nào và cả những ai cả nhiệm kỳ “không thấy nói gì” để cử tri giám sát.

Thạm chí, cũng nên công khai kết quả bấm nút, ai đồng ý, ai không để cử tri biết và cả để sau này, mỗi cá nhân phải đối mặt với lịch sử về những quyết định của mình.

Đây cũng chính là cơ chế “kiểm soát quyền lực” như lời của ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong bài “Kiểm soát quyền lực để không ai lạm quyền” trên báo Tiền phong: “Xu hướng dễ bị lạm quyền, tức là vượt qua khỏi quyền hạn là “bệnh” của các cơ quan, của những người cầm nắm quyền lực. Vì thế, cần làm sao để mọi người hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, với vị trí đã được quy định”.

Mong rằng nhiệm kỳ tới, Quốc hội sẽ có cơ chế giám sát chặt chẽ để không còn tinh trạng “có người đi họp bao nhiêu khóa mà không thấy phát biểu gì” như lời của nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hà Thị Liên.

Bùi Hoàng Tám