Từ thiện online - dễ mủi lòng và dễ... bị lừa
(Dân trí) - Gần 700 người đã đặt lòng thương và niềm tin không đúng chỗ khi gửi hàng trăm triệu đồng cho nhà "từ thiện online" vừa mới bị Công an Nam Định bắt giữ.
Thông tin trên Báo Dân trí, ngày 6/10, Công an tỉnh Nam Định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tạm giam Cao Thị Hoài (SN 1998, trú huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bước đầu cơ quan chức năng xác định, người phụ nữ này lên Facebook kêu gọi quyên góp mua đất, mua vật tư để mai táng cho các hài nhi xấu số. Chỉ bằng những thông tin đăng tải trên mạng xã hội, gần 700 người đã gửi vào tài khoản của Hoài để rồi bị chiếm đoạt. Khi người phụ nữ này bị bắt cũng là khi hàng trăm người "ngậm đắng nuốt cay" vì đặt lòng thương và niềm tin sai chỗ.
Từ thiện online nở rộ trong thời gian qua và dường như, thông qua một (hoặc nhiều) tài khoản trên mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người kết nối, kêu gọi cộng đồng hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Việc chuyển tiền quyên góp cũng hết sức đơn giản, người có tấm lòng chỉ cần vài thao tác trên ứng dụng ngân hàng đã cài đặt sẵn trên điện thoại. Phần còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào lòng tin đối với người đứng ra kêu gọi, tổ chức hoạt động hỗ trợ.
Không thể phủ nhận rằng, bằng cách khơi dậy lòng trắc ẩn trong mỗi con người và truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ta, từ thiện online đã có những đóng góp nhất định trong việc giúp đỡ những phận người yếu thế, khốn khó hay những địa phương bị thiệt hại trong thiên tai, dịch bệnh...
Thế nhưng kiểu từ thiện tự phát này đã gây ra không ít hệ lụy, cũng như trở thành mối làm ăn béo bở của một số người. Thời gian qua, "lùm xùm" xung quanh sự minh bạch trong việc giải ngân số tiền quyên góp được của một số nghệ sĩ đã tốn không ít giấy mực của báo giới, gây nên những cuộc tranh luận "nảy lửa" trên cộng đồng mạng.
Liên quan đến những thông tin tố cáo sự nhập nhèm trong hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đang phối hợp với các ngân hàng và một số địa phương để rà soát, làm rõ. Việc đúng sai như thế nào, hãy đợi kết quả xác minh, điều tra của cơ quan chức năng nhưng không vì thế mà chúng ta ngừng yêu thương và chia sẻ lẫn nhau.
Giúp đỡ người kém may mắn hơn, ngoài tình yêu thương con người, còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng, xã hội. Trong khốn khó, mỗi sự giúp đỡ, dù rất nhỏ cũng đều rất đáng quý. Và càng đáng quý hơn khi sự yêu thương, sẻ chia đó như sợi dây vô hình kết nối những tấm lòng, làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn, nương tựa vào nhau để vượt qua khó khăn trước mắt.
Cùng với các cơ quan chức năng, hoạt động xã hội hóa trong công tác cứu hộ, cứu trợ đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ổn định đời sống, giúp người dân vượt qua khó khăn do bệnh tật, thiên tai, lũ lụt, đặc biệt là đại dịch Covid-19 vừa qua.
Để mỗi sự giúp đỡ được đến đúng, đến đủ với người và với nơi cần giúp đỡ thì sự minh bạch, kịp thời là yếu tố tiên quyết. Đảm bảo tính minh bạch, ngoài lương tâm, tự trọng và trách nhiệm của cá nhân đứng ra tổ chức, kêu gọi, cần thiết phải có một khung pháp lý đối với hoạt động từ thiện mang tính tự phát, cá nhân này.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có sự phối hợp với các tổ chức, cá nhân và giám sát chặt chẽ hoạt động cứu trợ trên địa bàn; đừng để xảy ra tình trạng thiếu sự giám sát dẫn tới "không thể xác định chính xác" số tiền hỗ trợ cho người dân trên địa bàn tại một số địa phương như vừa qua.
Trong lúc chờ cơ quan chức năng nghiên cứu, soạn thảo ra các quy định phù hợp, mỗi người dân cần phải tỉnh táo để đặt niềm tin và gửi gắm tình yêu thương đúng nơi, đúng chỗ; tránh trở thành nạn nhân của trò lừa đảo từ thiện online hay phải băn khoăn, hoài nghi khi có dư luận không hay về các chương trình từ thiện mà mình đã tham gia.
Tôi tin rằng, yêu thương và biết yêu thương đúng cách sẽ làm cho truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách được hun đúc ngàn đời qua của dân tộc ta tiếp tục được bồi đắp, nuôi dưỡng và lan tỏa.