Tự chủ đại học và “Top 200”
(Dân trí) - “Thầy giáo không thể sống bằng không khí, nước lã. Muốn đóng góp cho giáo dục, thầy giáo phải có tiền để sống không chỉ cho mình, mà còn cho con cái học hành. Lương không đủ sống, không thể có thầy giỏi”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói .
Tự chủ đại học đã bàn đến từ lâu, nhưng chỉ bàn, trong đó có không ít ý kiến bàn ra vì sợ không đủ khả năng tự chủ, nhất là tự chủ tài chính.
Mới đây Trường Đại học Tôn Đức Thắng được cho phép thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện. Đó là, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chương trình của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, có sản phẩm là bằng sáng chế quốc tế và ứng dụng vào thực tiễn. Phát triển quy mô đào tạo hợp lý, chú trọng đào tạo chương trình chất lượng cao và đào tạo theo đặt hàng.
Thực ra, Trường Đại học Tôn Đức Thắng mạnh dạn thực hiện đề án thí điểm tự chủ là vì từ lâu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường công nhưng không nhận tiền ngân sách. Cho nên, trong buổi làm việc với nhà trường ngày 8.2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc thực hiện thành công mô hình tự chủ tài chính, mô hình này cần được hoàn thiện và nhân rộng cho đại học cả nước.
Tự chủ tài chính không dễ nên không có nhiều trường dám làm, bởi vì mất nguồn cung cấp tài chính từ ngân sách là mất khả năng tự tồn tại. Nhưng, đã có trường làm được thì các trường khác cũng phải làm được, nếu có nhiều trường tự chủ thì nhà nước sẽ giảm gánh nặng bao cấp đào tạo đại học được rất nhiều.
Tự chủ đại học mới toàn quyền quyết định về tài chính, để có thể trả lương cao cho thầy giáo, và đó là cơ sở để thu hút được người giỏi. Một giáo sư, tiến sĩ (thiệt), được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, không thể giảng dạy đại học với mức lương vài triệu đồng/tháng. Cũng tại buổi làm việc với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Thủ tướng lưu ý về điều này: “Thầy giáo không thể sống bằng không khí, nước lã. Muốn đóng góp cho giáo dục, thầy giáo phải có tiền để sống không chỉ cho mình, mà còn cho con cái học hành. Lương không đủ sống, không thể có thầy giỏi”.
Tự chủ tài chính mới thực hiện đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chương trình của các nước có nền giáo dục tiên tiến hiệu quả, tự chủ tài chính mới có khả năng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có chất lượng khoa học. Nếu suốt ngày cứ xách cặp ra Trung ương xin tiền về làm khoa học thì còn lâu mới cao lớn bằng người. Chưa rời khỏi bầu vú ngân sách thì như trẻ em chưa bỏ bú, biết khi nào trưởng thành.
Việt Nam đã mơ mộng về một trường đại học lọt “top 200” thế giới. Giấc mộng chưa thành hiện thực là vì thiếu một trong những cái căn bản nhất đó là sự tự chủ. Phải chăng từ mô hình tự chủ đại học mới có thể tạo điều kiện quyết định về tài chính nhằm trả lương cao xứng đáng với công sức của các thầy cô giáo và từ đó mới có những cải cách đột phá trong đào tạo đại học, mới thay đổi được nền học thuật, mới làm ra được những sản phẩm khoa học có tầm quốc tế.
Đến khi đó, hy vọng không chỉ có trường đại học vào “Top 200” mà có thể còn ở vị trí cao hơn.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!