Trong veo cho đến khi chết

(Dân trí) - Từng dòng người đội mưa gió để viếng tang một người anh hùng, có nhiều người ở xa không đến được, nhưng họ âm thầm thắp một nén tâm nhang để tiễn biệt ông, mặc dù chưa gặp ông lần nào. Người anh hùng đó là Hồ Giáo, một người chăn trâu huyền thoại.

 


Anh hùng Hồ Giáo

Anh hùng Hồ Giáo

Ông Hồ Giáo nuôi bò, nuôi trâu giỏi đến mức được hai lần phong Anh hùng Lao động. Nhưng những người sống gần gũi với ông, biết đến ông, có thể hiểu rằng, ông làm việc không phải vì mục đích đạt được một danh hiệu, không phải vì lời khen, vì bổng lộc và càng không phải vì hư danh. Thậm chí, ông không quan tâm đến những thứ đó, nó ở bên ngoài suy nghĩ trong veo của ông. Trong veo cho đến khi chết.

Người ta gọi ông là “người chăn trâu vĩ đại”, nhưng hình như ông chẳng biết gì về sự vĩ đại của chính mình.

Những giai thoại về Anh hùng Hồ Giáo còn nhiều trong các trang sách, trong những câu chuyện kể, chuyện gì cũng dễ thương, xúc động. Hồ Giáo làm việc là vì tình yêu, niềm say mê của mình, không hề muốn giáo dục ai, nhưng bản thân ông là một cuốn sách giáo dục công dân về tình yêu lao động và tinh thần trách nhiệm. Ở đây, tình yêu lao động không phải là lý thuyết mà là thực tế, như ông yêu đàn trâu, đàn bò và lo lắng cho chúng nhiều đêm mất ngủ.

Hồ Giáo yêu đàn trâu đến mức ông không đến thì chúng nó nổi khùng quậy phá. Người viết bài này từng gặp một người trồng hoa dưới chân đèo Prenn – Đà Lạt. Ông kể rằng sáng nào cũng ra vườn thăm hoa, tối trước khi đi ngủ cũng soi đèn đi thăm vườn hoa. Nếu không thăm, hoa sẽ “hờn” và không nở. Cũng giống như ông Hồ Giáo bị đàn bò dỗi hờn khi ông không đến thăm chúng.

Bí quyết của anh hùng Hồ Giáo thật đơn giản, hãy yêu thương đàn bò thì chúng sẽ yêu thương ông. Bí quyết đó cũng chính là tinh thần trách nhiệm, là sự tận tâm, tận lực với công việc.

Rất lạ lùng là có một vị anh hùng hai lần được tuyên dương, nhưng không biết đi xe máy, xe đạp, chỉ đi bộ. Cuối đời cũng chỉ sống trong căn nhà giản dị, chỉ giữ một thứ duy nhất cho đến chết, đó là lời hứa với Thủ tướng Phạm Văn Đồng về trách nhiệm phát triển một đàn trâu trên quê hương của mình.

Nhiều người đến đưa tiễn ông, không phải đến vì thủ tục, vì nhiệm vụ. Nhiều bài viết về ông, nhưng không do ai “chỉ đạo”, mà đều xuất phát từ sự kính trọng, yêu mến chân thành.

Không phải ai ra đi cũng có được sự thương tiếc như thế, cho dù họ quyền thế, chức tước cao xa. Thậm chí có thể còn là sự “hoan hỉ” của nhiều người.

Cho nên, bài học Hồ Giáo không chỉ dừng lại ở tình yêu lao động, mà còn là nhân cách sống, là đạo làm quan, là đạo làm người.

Lê Chân Nhân