Trình độ thấp đang hưởng lương cao và trình độ cao hưởng lương thấp!
(Dân trí) - “Chính sách tiền lương mới sẽ góp phần giảm tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng “vặt” trong hệ thống cơ quan hành chính, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Người viết có một người bạn hiện đang sống và công tác ở Nhật, đợt vừa rồi ngỏ ý muốn tìm kiếm nhân sự trong mảng nghiên cứu và phát triển (R&D) với mức lương 30-35 man/tháng (tương đương quanh 70 triệu đồng).
Tuy nhiên, mức lương này vẫn bị một số người trong ngành “chê” là kém hấp dẫn so với thu nhập có thể đạt được khi làm việc tại một số tập đoàn lớn ở Việt Nam, mức lương trên 100 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể về mức sống, chế độ đãi ngộ kèm theo…
Qua đó thấy rằng, cạnh tranh trên thị trường lao động hiện đang rất khắc nghiệt. Lương, thưởng là một yếu tố then chốt để thu hút người tài về cống hiến. Cũng bởi vậy, với cơ chế lương thưởng, đãi ngộ như hiện nay của khu vực Nhà nước, rõ ràng là không ít cán bộ, công chức có trình độ cao nếu sống minh bạch đang phải chịu thiệt thòi.
Ngược lại, dù công tác sàng lọc và tinh giản biên chế thời gian qua đã được đẩy mạnh, song không thể phủ nhận, vẫn còn tồn tại một bộ phận công chức “cắp ô”, năng suất lao động không xứng với số tiền mà ngân sách Nhà nước đang chi trả cho họ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng đã thẳng thắn nêu rõ về bất cập này. Đó là tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước chưa theo vị trí công việc, nhìn chung bình quân số tiền trả cho lao động có trình độ “thấp” đang “cao” hơn so với thị trường. Trong khi đó, lao động kỹ thuật “cao” lại bị trả lương “thấp” hơn so với thị trường.
Chính điều này dẫn đến tình trạng chuyển dịch lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao sang khu vực doanh nghiệp khác.
Thực tế, điều này không chỉ xảy ra với khu vực doanh nghiệp Nhà nước mà với cả khu vực hành chính, sự nghiệp công. “Chất xám” đương nhiên sẽ chảy về nơi cho thu nhập tốt và có môi trường làm việc lành mạnh, có cơ hội phát triển và học hỏi.
Còn những người giỏi đang làm việc ở môi trường Nhà nước, hoặc là họ phải “hi sinh” thu nhập để phụng sự cho lý tưởng; hoặc họ sẽ phải tìm kiếm những nguồn “thu nhập khác”. Nguy hiểm hơn là khi những người kém năng lực ở trong môi trường này, chẳng những khiến hiệu quả công việc chung đi xuống mà còn tạo ra tham nhũng, tiêu cực.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 27 năm 2018 của Trung ương về cải cách tiền lương với điểm mấu chốt là hoàn toàn bãi bỏ mức lương cơ sở kể từ 2021, đang nhận được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương trong lần trả lời báo chí mới đây cho biết, ông kỳ vọng mức lương mới sẽ bảo đảm được đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.
“Chính sách tiền lương mới sẽ góp phần giảm tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng “vặt” trong hệ thống cơ quan hành chính, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo ông Huệ, việc thực hiện mức lương mới từ năm 2021 sẽ có tác động tích cực tới việc đánh giá cán bộ, đưa ra khỏi nền công vụ những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng chính là điều mong mỏi của hàng triệu người dân trên cả nước, rằng, tiền ngân sách trong công tác chi thường xuyên sẽ được phân bổ đúng chỗ và hợp lý.
Và khi cán bộ, công chức được trả lương xứng đáng, khi đồng lương trong khu vực công “đi cùng thị trường”, việc trả lương song hành với đánh giá sát sườn hiệu quả công việc, tin rằng, sẽ xuất hiện nhiều hơn nhân tài trong bộ máy hành chính công và chiếc ghế công chức sẽ không còn là điểm đến cho những người chỉ ưa “nhàn hạ” và thích “ổn định”.
Bích Diệp