Trả ơn khi vẫn còn cơ hội
(Dân trí) - Nếu được, xin hãy trân trọng họ, những cựu binh bằng xương bằng thịt của hôm nay. Hãy trả ơn, khi còn cơ hội!
“Cúc ơi! em ở đâu?
Đất nâu lạnh lắm
Da em xanh
Áo em thì mỏng!
Cúc ơi! em ở đâu?
Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ
Bài toán lớp Năm em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn.
Ở đâu hỡi Cúc
Đồng đội tìm em
Đũa găm cơm úp
Gọi em
Gào em
Khan cổ cả rồi
Cúc ơi!”
Những vần thơ của nhà thơ Yến Thanh viết về người chiến sĩ thanh niên xung phong đã ngã xuống 50 năm trước, nay đọc lại vẫn thắt tim gan. Đó là cô gái cuối cùng tìm được thi thể trong số 10 người con gái mở đường hi sinh tại ngã ba Đồng Lộc.
Có biết bao nhiêu người con gái, con trai như họ - tuổi mười tám, đôi mươi chưa một lần biết đến tình yêu, chưa một lần cầm tay, chưa một lần chạm vào hạnh phúc lứa đôi tròn trịa. Họ đã vì lý tưởng hi sinh bản thân mình để giành độc lập tự do cho đất nước.
Theo báo Pháp luật Việt Nam, hiện có gần 9 triệu người có công trên cả nước. Trong đó, tới 1.146.250 người là liệt sĩ, trên 127.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những con số thấm đẫm tự hào và cũng chứa bao đau xót.
Đến tận bây giờ, sau nhiều năm chiến tranh đã lùi xa, vẫn còn hàng trăm ngàn liệt sĩ cần được xác định danh tính; hàng trăm ngàn mộ các liệt sĩ chưa được quy tập về nghĩa trang và hàng trăm ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học.
Tất cả những con số biết nói ấy để chúng ta thấy rằng, hoà bình hôm nay không phải bỗng nhiên mà có. Cái giá phải trả là vô cùng, không đong đếm được.
Hơn 9.600 công trình ghi công, tượng đài, nhà bia, nghĩa trang liệt sĩ; 29.000 tỷ đồng mỗi năm để trợ cấp ưu đãi hàng tháng với người có công. Chúng ta không bao giờ quên và cũng không thể nói rằng, những nỗ lực đó là đủ, khi mà mức sống của rất nhiều thương, bệnh binh vẫn chỉ là đủ sống. Họ không thể làm trụ cột gia đình khi mà một phần máu xương đã phải để lại chiến trường và những vết thương vẫn còn âm ỉ.
Thế mà, trong ngày hôm nay (27/7), ngày để tri ân và để nói về những điều tự hào, tốt đẹp, người viết vẫn phải cúi đầu trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, cúi đầu trước gia đình của họ, trước những người thương binh, những người đã vào sinh ra tử vì Tổ quốc… để nhắc về những điều hổ thẹn, những vết nhơ mà hậu thế chúng ta cần phải đấu tranh và loại bỏ.
Đó là hành vi trục lợi trên xương máu và danh dự của những người có công. Khi mà đâu đó có những người đã sẵn sàng cống hiến một phần tuổi trẻ cho nền độc lập nhưng không nề hà, không hề đòi hỏi sự ghi nhận nào thì lại có không ít trường hợp lợi dụng chính sách cho người có công nhằm hưởng lợi bất chính.
Cách đây một năm (6.2017), 2 nông dân ở Bắc Ninh đã được bộ LĐTB&XH khen thưởng vì có thành tích chống tiêu cực, giúp cơ quan chức năng phát hiện 2.745 hồ sơ thương binh giả, thu về ngân sách trên 150 tỷ đồng, giảm chi mỗi năm trên 20 tỷ. Những sự dối trá đó thực không thể nào chấp nhận được!
Đó còn là những sự vô tâm, tắc trách ở đâu đó trong khâu đền ơn, đáp nghĩa; trong công tác hỗ trợ người có công. Dù có thể không nhiều, không phổ biến, nhưng tốt hơn cả, là không nên có! Bởi, một vài năm, hay vài chục năm sau nữa, dẫu muốn được chăm sóc, được trả ơn những người thương binh đang mang trên mình những nỗi đau của chiến tranh ngày trước, e rằng, cũng khó lắm thay…
Nếu được, xin hãy trân trọng họ, những cựu binh bằng xương bằng thịt của hôm nay. Hãy trả ơn, khi còn cơ hội!
Bích Diệp