Trả lại quà Tết, không có ai nhận hay chưa bị phát hiện?
(Dân trí) - Trong năm 2019, cả nước chỉ có 3 người trả lại quà tặng. Trong năm 2020, chưa thấy báo cáo về nội dung được dư luận hết sức quan tâm này. Liệu không có ai trả lại quà Tết hay chưa bị phát hiện?
Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2021 và vui xuân, đón Tết Nguyên đán Tân Sửu, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW. Trong đó, một nội dung được nhiều người dân quan tâm được nhắc lại trong Chỉ thị này, cụ thể:
"Tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức".
Như thế để thấy rằng, việc phòng chống tham nhũng thông qua biến tướng của việc tặng quà Tết được Ban Bí thư đặc biệt quan tâm. Điều đó cũng thể hiện rằng, việc biếu, xén quà Tết cấp trên vẫn chưa hẳn đã chấm dứt.
Trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, trong năm có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng. Cụ thể là tỉnh Trà Vinh có 1 người, nộp lại 3 triệu đồng và Thái Bình có 2 người, nộp lại 100 triệu đồng.
Về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020, tôi đã cố gắng tìm kiếm thông tin về việc trả lại quà tặng trong các tin bài đăng tải trên nhiều tờ báo nhưng chưa phát hiện được dòng nào liên quan đến nội dung này.
Đó liệu có phải là tín hiệu đáng mừng khi không có trường hợp nào trả lại quà tặng hay chưa có trường hợp nào nhận quà Tết bị phát hiện?
Tin tưởng vào công tác phòng chống tham nhũng mà Ban Bí thư triển khai nhưng tôi nghiêng về giả thuyết thứ 2. Bởi lẽ, trong báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2020 ghi rõ: "Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới vẫn là khâu yếu, tồn tại qua nhiều năm".
Với truyền thống nặng tình nghĩa của người Việt Nam, vào các dịp đặc biệt, lễ Tết là thời điểm để người ta trả những món nợ ân nghĩa. Nhưng phân biệt giữa quà tặng và những món quà có động cơ, mục đích không phải là dễ dàng.
Qua rồi cái thời người ta đưa cả xấp đô la đến biếu "sếp". Những món quà ngày càng được chuẩn bị tinh vi hơn và cách đưa cũng khôn khéo hơn. Thay vì đưa tận tay, người ta có thể thông qua "sân sau" của "sếp". Thời đại công nghệ, chỉ cần một thao tác chuyển khoản qua ngân hàng, món quà Tết từ người đưa đến người nhận mà người ta có thể nghĩ ra cả trăm ngàn nội dung nhằm hợp lý hóa để qua mặt cơ quan chức năng.
Một chủ cây cảnh từng tiết lộ với tôi vào dịp Tết, có người mua những cây thế đẹp, dáng độc với giá hàng trăm triệu đồng, thuê chở đến tận nhà cho một ông cốp. Với những món quà như thế, người tặng không khai, người được tặng không báo cáo, người dân lẫn cơ quan chức năng cũng khó mà phát hiện được.
Bởi vậy, bên cạnh việc "cấm" - tức là bằng biện pháp có tính cưỡng chế thì phòng, chống tham nhũng ngay trong bản thân mỗi cán bộ, lãnh đạo là điều tiên quyết. Nó phụ thuộc vào bản lĩnh và sự tỉnh táo của người có chức, có quyền.
Dám từ chối và đủ dũng khí trả lại những món quà Tết có động cơ "không trong sáng", người dân luôn mong chờ điều đó ở những công bộc của họ.