Văn hóa quà tết sếp và “Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”

(Dân trí) - Nhớ lại năm trước, cô bé hàng xóm kể được thưởng tết 5 triệu đồng, “đi” sếp trưởng 2 triệu, 2 sếp phó mỗi sếp 1 triệu, thế là còn triệu bạc. Buồn!

 


(MH Ngọc Diệp)

(MH Ngọc Diệp)

Với không ít người, nỗi lo lớn nhất vào dịp cuối năm không phải là công việc mà là quà biếu sếp.

Trước hết, phải nói rằng biếu quà sếp ngày tết là một phong tục văn hóa của người Việt. Người Việt Nam vốn trọng chữ tình, uống nước nhớ nguồn, những ngày năm mới thường có món quà biếu thủ trưởng của mình. Nó không chỉ là vật chất đơn thuần mà ở đó còn là sự quan tâm, lòng kính trọng và cả sự biết ơn giúp đỡ mình trong cả một năm.

Nhớ lại thời bao cấp khó khăn, những món quà thường là con gà, yến gạo hay ký giò.

Thời tem phiếu, để có cân giò nạc là cả một ước mơ. Không ít người phải tích trữ nhiều ngày tiêu chuẩn vài ba lạng thịt mỗi tháng để dành đến tết gói cân giò biếu sếp.

Qua thời bao cấp, kinh tế phát triển, thu nhập tăng lên thì không mấy ai biếu gà, biếu gạo nữa. Thay vào đó là rượu ngoại, là những chiếc phong bì và giờ đây, quà còn lại chỉ còn phong bì nhưng cũng không “phong phú” như trước đó nữa.

Lý do là bởi mỗi dự án, công trình, các sếp đều đã “hoa hồng, hoa huệ” sòng phẳng, “cưa đứt, đục suốt” nên giờ không phải phong bì, phong bao nữa.

Nên khổ nhất là vẫn phải tết sếp nhưng không biết phải tết bằng gì.

Tiền thì nhà sếp không thiếu. Rượu thì nhà sếp cũng đầy và đó là những món quà xoàng xoàng, ai cũng có. Vả lại, rượu rởm nhiều hơn rượu thật nên chẳng mấy ai dám biếu.

Vì thế mỗi dịp cuối năm, thiên hạ lại đổ đi săn hàng độc để làm quà biếu sếp.

Những năm trước, khi cây cảnh còn có giá, người ta săn những cây thế cổ thụ tính bằng ngàn, chục ngàn USD. Giờ đây, cây cảnh đã lỗi mốt thì năm nay, lại có phong trào đổ đi tìm gà lạ, vịt lạ hay chim độc và những hình mẫu liên quan đến con khỉ.

Những mặt hàng này tuy không quá cao nhưng cũng không hè rẻ.

Giá thấp nhất là gà sư tử Ba Lan hiện có giá từ 1- 4 triệu đồng/con, gà rừng lông ngũ sắc ở mức 3,5 - 4 triệu đồng/con. Các loại quý hiếm khác thì giá lên tới hàng chục triệu đồng như Chim Công giá l15 triệu đồng/con.

Vịt Uyên Ương được bán với mức giá khoảng 10-15 triệu đồng/cặp. Chim Trĩ Hoàng đế được coi là loại dòng “quý tộc”, với quan niệm sẽ mang lại tài lộc, may mắn nên loại chim này có giá khoảng 20 - 30 triệu đồng/một cặp 2 con.

Năm nay là năm Bính Thân nên những gì mang hình dáng con khỉ cũng được ưa chuộng. Những bức tượng khỉ nếu bằng vàng có thể lên tới hàng chục triệu đồng.

Trở lại với chuyện biếu quà sếp. Công bằng mà nói, không phải sếp nào cũng muốn nhận quà của nhân viên. Đã có không ít sếp nghiêm cấm nhân viên đến nhà ngày tết với lý do “cả năm cả tháng làm việc với nhau, tết dành cho gia đình, vợ con” nhưng hàm ý sâu xa là không muốn nhân viên vất vả chuyện quà cáp.

Họ cũng không muốn “làm ơn” để nhận “trả ơn” theo kiểu mua bán sòng phẳng.

Tóm lại, dù hành xử thế nào thì trong tâm lý người Việt, cấp dưới luôn phải biết ơn, mang ơn cấp trên. Nhân viên phải biết ơn, mang ơn thủ trưởng.

Thế nhưng ở các công ty nước ngoài, “luật biết ơn” được làm theo “qui trình ngược” với Việt Nam. Đó là sếp luôn biết ơn, cám ơn và tặng quà nhân viên vì họ đã nỗ lực giúp sếp hoàn thành nhiệm vụ.

Điều này có thể có ý kiến khác nhau nhưng có một điều chắc chắn, nó không rơi vào cảnh mà các cụ ta ngày xưa vẫn nói: “Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”.

Nhớ lại năm trước, cô bé hàng xóm kể được thưởng tết 5 triệu đồng, “đi” sếp trưởng 2 triệu, 2 sếp phó mỗi sếp 1 triệu, thế là còn triệu bạc. Buồn! Buồn cho nó thì ít mà buồn cho sếp nó thì nhiều...

Cho nên xét đến tận cùng bản chất sâu xa và trên hết của văn hóa phải là nhân văn, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám