Tốt nghiệp trường “cấp ba rưỡi” không thất nghiệp mới lạ
(Dân trí) - Từ năm 2011 đến 2014, trung bình mỗi năm có trên 400.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, người tìm được việc làm không cao, số thất nghiệp năm 2014 so với năm 2010 tăng gần gấp đôi, đó là thông tin được đưa ra tại Phiên giải trình tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 24.4.
Sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp là chuyện quá cũ. Báo chí từng đăng những bài điều tra sinh viên tốt nghiệp đại học đi làm công nhân trong các nhà máy, rất nhiều trường hợp khác phải đi làm những việc lao động thời vụ, thậm chí bán trà đá để kiếm sống.
Không chỉ tốt nghiệp đại học mà còn cả sau đại học. Nhiều người vì sợ không kiếm được việc làm nên tốt nghiệp đại học rồi lại học thêm thạc sĩ như một cách “chống” thất nghiệp. Nhưng cầm cái bằng thạc sĩ cũng thất nghiệp, về nhà treo bằng ngắm chơi.
Nguyên nhân từ đâu, đó là câu hỏi đặt ra không chỉ cho các nhà quản lý mà cho chính phụ huynh, cá nhân của từng người đi học, không phải chỉ đổ lỗi cho ngành giáo dục hay việc dự báo ngành nghề của các cơ quan nhà nước.
Trước hết là chất lượng đào tạo. Phải khẳng định rằng, chất lượng đào tạo đại học Việt Nam thấp so với nhiều nước trong khu vực. Nhiều trường đại học mọc lên cũng nhiều như sân golf, nhưng sinh viên cầm cái bằng đó ra không ai nhận. Trên thực tế đã có một số địa phương tuyên bố không nhận sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập, nhiều địa phương khác tuy không tuyên bố công khai, nhưng cũng không nhận.
Đừng cho rằng các địa phương này có chủ trương phân biệt đối xử trường công và trường tư, mà phải thừa nhận bằng cấp đại học quá bát nháo, không thể tin vào chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập.
Chính vì vậy nên số người tốt nghiệp đại học thì đông, nhưng cầm cái bằng về nộp cho cha mẹ là chủ yếu.
Có môt nguyên nhân thường hay được nói tới, đó là dự báo ngành nghề tương lai của nền kinh tế quá kém nên các trường không dễ đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực đúng với nhu cầu của thị trường lao động. Điều này nghe ra thật bài bản nhưng quá xa vời với thực tế. Thử hỏi, các chuyên gia kinh tế đã dự báo được diễn biến của nền kinh tế trước một năm chưa, vậy thì căn cứ đâu để định hướng đào tạo chính xác trong vòng 4 – 5 năm. Tất cả điều này nếu có cũng chỉ là tương đối.
Cho nên, điều quan trọng nhất để hạn chế tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp là các trường đại học đào tạo bài bản, siết chặt đầu vào và đầu ra để có một nguồn nhân lực đại học và sau đại học chất lượng cao. Còn đào tạo ào ạt, bằng đại học như bằng “cấp ba rưỡi” thì các nhà kinh tế dự báo đằng trời cũng trật lất, vì không có doanh nghiệp nào chấp nhận một ông nửa thầy nửa thợ.
Phân tích như vậy để các bậc phụ huynh tham khảo, bỏ tư duy bắt buộc con cái phải có bằng đại học. Chính vì tư duy đó nên phụ huynh bằng mọi giá đầu tư cho con cái vào những trường “cấp ba rưỡi” để cho an tâm là có bằng đại học, nhưng không biết sau khi tốt nghiệp thì làm gì để kiếm sống. Trong lúc, nếu học một cái nghề và trở thành thợ lành nghề thì có cuộc sống ổn định, thậm chí làm giàu bằng chính nghề nghiệp tinh thông.
Các vị phụ huynh hãy định hướng cho con cái chọn lựa việc học phù hợp với năng lực để giúp con cái mình tự cứu bản thân trước khi chờ đợi ai đó cứu mình.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!