Tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ - Cần những “bàn tay sạch”
(Dân trí) - Việc cơ cấu, sắp xếp công tác cán bộ đang là một trong những vấn đề nóng trên nghị trường những ngày qua. Điều này cho thấy “cơn gió nóng” của đời sống xã hội được thể hiện rõ nét trong nghị viện. Có đại biểu còn cho rằng việc rà soát lại công tác bổ nhiệm cán bộ cần nóng như “lò chống tham nhũng”.
Tại báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, UB TƯMTTQ Việt Nam nêu rõ: “Cử tri và Nhân dân rất bức xúc về tình trạng lạm dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương”.
Trước đó ngày 19/9, tại phiên họp về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, phòng chống tội phạm, thi hành án... Ủy ban Tư pháp Quốc hội đề nghị: "Chính phủ cần chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng".
Những ý kiến trên đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri.
Trên báo Pháp luật TP HCM, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội bày tỏ: “Thời gian qua dư luận rất quan tâm, bức xúc đối với việc quan chức sử dụng bằng giả, bằng rởm, bằng cấp không đúng pháp luật… để thăng tiến, trong đó có những cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt ở vị trí cao. Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng lãnh đạo của Đảng, chất lượng quản lý và phục vụ của Nhà nước, cũng làm giảm sút lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước”.
ĐB Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị: “Để làm trong sạch bộ máy, bảo đảm uy tín, năng lực, trí tuệ, sức chiến đấu của Đảng và Nhà nước, rất cần triển khai một đợt tổng kiểm tra lại chất lượng cán bộ mà trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp. Từ đó xác định đúng chất lượng cán bộ, loại bỏ những cán bộ yếu kém cả về năng lực, phẩm chất và đạo đức, lối sống. Trước hết là rà soát lại lý lịch cán bộ, đảng viên xem có sự man trá trong kê khai bằng cấp, tài sản hay không”.
Qua tìm hiểu dư luận nhân dân và ý kiến các đại biểu Quốc hội thì một trong những vấn đề được quan tâm nhất của việc rà soát này là nạn bằng cấp dởm, bằng cấp giả.
Nhiều năm qua, dưới “bàn tay ảo thuật” cùng với sự lộn xộn trong “thị trường bằng cấp” hiện nay với đủ mọi hình thức đào tạo như liên thông, tại chức, từ xa… không ít trang lý lịch “sáng lên rực rỡ” với rất nhiều học hàm, học vị cao chót vót.
Song, trình độ cán bộ công chức thì rất đáng lo ngại không chỉ bởi sự lười biếng, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà còn rất yếu về năng lực, đặc biệt là giải quyết các vụ việc cụ thể. Hậu quả là những đống đơn từ ngày một chất cao và cùng với nó, là sự bức xúc của người dân.
Nói thẳng ra, nếu một đất nước mà việc bổ nhiệm là những “5c”, “4 ệ” với những “chọn người nhà, không chọn người tài” qua những “qui trình cong mềm mại”, bằng giả, bằng rởm tràn lan thì công việc không trì trệ, người dân không bức xúc mới là lạ.
Do đó, đề xuất tổng kiểm tra, rà soát lại công tác bổ nhiệm trên toàn quốc của MTTQ VN và một số ĐB Quốc hội là chính xác và cần làm ngay, làm kỹ, làm thận trọng… Tất nhiên muốn vậy, phải có một qui trình nghiêm ngặt bởi nếu thiếu thận trọng, đặc biệt lại cũng “cong mềm mại” thì sẽ khó hiệu quả, thậm chí trở thành “bình phong” che chắn, xóa dấu vết cho những sai phạm trước đó.
Cần lắm những “bàn tay sạch” , còn một khi “tay đã nhúng chàm thì không thể chống được” như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói.
Bùi Hoàng Tám