Tổng cục Du lịch và những đề xuất… lạ!
(Dân trí) - Trước khi đề xuất vấn đề gì, có lẽ lãnh đạo Tổng cục nên cân nhắc bởi người xưa có câu, xin đừng “quá tam, ba bận”, đừng để văn bản vừa ban hành, ký chưa ráo mực lại phải vội vã thu hồi!
Gần đây, Tổng cục Du lịch có những đề xuất rất… lạ. Cách đây ít ngày, Tổng cục Du lịch đã có… “đơn xin” một số hãng hàng không 400 vé để “kích cầu du lịch”.
Ngay lập tức, cái “đơn xin” kia đã bị phản ứng mạnh mẽ từ dư luận nên Tổng cục Du lịch đành “ngậm ngùi” rút lại “lá đơn” vừa ráo mực và “nhận trách nhiệm và xin lỗi ba hãng hàng không được yêu cầu cung cấp vé máy bay, vì văn bản chưa phù hợp".
Mới đây, ngày 8.6, tại buổi làm việc với Sở Du lịch TP.HCM, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu kéo dài các kỳ nghỉ lễ trong năm 2020 nhằm kích cầu.
Cụ thể, dịp Kỉ niệm 2/9 tới, Tổng cục đề nghị cho nghỉ tổng số 5 ngày.
Tuy nhiên, đề xuất trên đã không nhận được sự ủng hộ từ một số bộ, ngành cũng như người đứng đầu Chính phủ.
Trên Dân trí, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phân tích, thời gian qua, không chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành du lịch bị đình trệ mà toàn ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng.
Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, giờ đây, cả nước đang nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng tốc làm việc để bù lại khoảng thời gian 3 tháng “bó tay” trước đó.
Guồng lao động này, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần duy trì liên tục hết phần còn lại của năm chứ không phải dừng lại để đi du lịch, nghỉ dưỡng trong một dịp nghỉ lễ được kéo dài.
Hơn nữa, cận kề với kỳ nghỉ 2/9 là ngày khai giảng năm học mới 5/9. Đây là dịp toàn dân đưa trẻ đến trường, các bậc phụ huynh phải dành thời gian đưa con em đến trường, chuẩn bị năm học mới, rất khó có thể để con ở nhà để bố mẹ đi du lịch.
Những phân tích có lý, có tình, có thực tiễn của Bộ trưởng Dung đã nhận được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý.
Về quan điểm cá nhân, tôi còn nhận thấy rằng Việt Nam chúng ta “chơi” nhiều quá. Mỗi năm, không biết là bao nhiêu ngày lễ lạt, hội hè.
Đành rằng cuộc sống, không chỉ có chăm chăm vào làm lụng mà cần có nghỉ ngơi, du lịch.
Thế nhưng với ta, tuy rằng mấy năm nay kinh tế phát triển, đời sống người dân đã được nâng lên. Song, so với mặt bằng chung thế giới, chúng ta chưa giàu có gì.
Thậm chí, so với các quốc gia trong khu vực, chúng ta cũng chỉ “sêm sêm” quãng giữa. Vì thế, không thể so sánh với nước ngoài, nhất là với các quốc gia giàu có mà cần biết "thắt lưng, buộc bụng".
Đành rằng, du lịch cũng là một mũi nhọn kinh tế, cần phải xúc tiến mạnh mẽ.
Đành rằng, sau đại dịch Covid 19, đây là thời điểm rất cần sự kích cầu nhưng kích cầu bằng chất lượng, bằng giá cả, bằng thái độ chứ không nên đề xuất cho cả nước nghỉ để kích cầu.
Đành rằng và đành rằng…
Song, các ngành nghề khác cũng là những “mũi nhọn” nên không vì “kích cầu” cho “mũi nhọn” này mà không tính đến lợi ích của “mũi nhọn” khác.
Mặt khác, ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 là ảnh hưởng chung của tất cả mọi ngành nghề, đâu phải chỉ riêng ngành du lịch?
Sau dịch, nhiều gia đình kinh tế rất khó khăn. Từ cái ăn, cái mặc rồi chuyện thuốc men khi ốm đau, tiền học tiền hành, giá thịt lợn tăng chóng mặt... liệu còn đầu óc mà nghĩ đến chuyện du hí?
Tóm lại, sau đại dịch, cuộc sống đang dần dần lấy lại nhịp điệu của nó, từng bước ổn định. Không thể vì lợi ích của ngành này mà ít quan tâm đến lợi ích của ngành nghề khác.
Thật ra, những ý kiến của tôi cũng để “làm rõ thêm” bởi những phân tích của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã được Thủ tướng tán thành và như vậy, điều đó sẽ không xảy ra.
Song, người viết bài này thấy băn khoăn bởi như đã nói ở trên, gần đây, Tổng cục Du lịch có những đề xuất “lạ”.
Hình như những đề xuất chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi ích cho ngành mình mà quên rằng với chức năng quản lý nhà nước ở lĩnh vực này, lãnh đạo Tổng cục nên có cái nhìn toàn cục, tránh “xung đột lợi ích” đối với ngành nghề khác.
Trước khi đề xuất vấn đề gì, có lẽ lãnh đạo Tổng cục nên cân nhắc bởi người xưa có câu, xin đừng “quá tam, ba bận”, nhất là đừng để văn bản vừa ban hành, ký chưa ráo mực lại phải vội vã thu hồi!
Bùi Hoàng Tám