Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người nâng đỡ “Vòng tay Đồng đội”

Bùi Hoàng Tám

(Dân trí) - Xin vĩnh biệt một chiến sĩ  Cách mạng kiên trung, một người lính Cụ Hồ, một nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, người nâng bước cho Quĩ “Vòng tay Đồng đội” và báo Dân trí điện tử chúng tôi.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người nâng đỡ “Vòng tay Đồng đội” - 1

Cách đây gần 13 năm (10.2007), Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam - Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí, Nhà báo Phạm Huy Hoàn đã có “cuộc găp gỡ lịch sử”, khẳng định vị thế đồng thời mở ra một hướng đi mới cho Quỹ “Vòng tay Đồng đội”.

Đây là hoạt động xã hội trên tinh thần tương thân, tương ái nhằm giúp đỡ con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu chiến binh trên con đường tới trường.

Trước đó, đánh giá về ý tưởng này, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói: “Đó là một chủ trương hợp đạo lý, hợp lẽ sống và việc làm nghĩa tình này khiến tôi thật sự xúc động. Nó có ý nghĩa chính trị rất lớn nên chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Đặc biệt là những doanh nhân đã từng tham gia quân ngũ".

Rất may cho người viết bài này, ngày hôm gặp gỡ đó, tôi đã được tháp tùng Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn.

Có lẽ, do đây là cuộc gặp gỡ thân tình nên tuy để bàn về việc chung song vẫn tràn ngập trong đó là những lời tâm sự và hồi tưởng. Nhất là từ khi biết gia đình ông Hoàn có 3 anh em ruột từng là quân nhân, trong đó có một  thương binh tại Thành cổ Quảng Trị,Tổng Bí thư Lê  Khả Phiêu càng tỏ ra thân mật  và xúc động.

Ông Phiêu kể rằng ông vừa đi công tác dài ngày về một số địa phương vùng sâu, vùng xa ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và một số địa phương khác.

“Công bằng mà nói, mặc dù thành tựu về kinh tế của chúng ta nhiều năm qua đang phát triển nhanh, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị bão lũ vừa qua, đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Phải nói khả năng tư duy, năng lực tiếp nhận tri thức cũng như tinh thần ham học hỏi của bà con ta ở các vùng này rất cao, nhưng với thu nhập thấp như hiện nay thì phần nhiều là lực bất tòng tâm. Người nông dân, dù đã dốc hết sức cho sự học hành của con em mình nhưng nhiều khi vẫn đành bất lực”. Ông Phiêu tâm sự.

Trả lời câu hỏi của Tổng Biên tập Phạm Huy Hoàn về cảm giác khi Tổng Bí thư tận mắt chứng kiến cảnh con em đồng chí, đồng đội mình thất học, ông Phiêu ngậm ngùi:

“Tôi rất đau lòng trước tình cảnh này và càng buồn hơn khi thấy con cái các cựu chiến binh, thương binh và gia đình liệt sĩ lại thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn hơn. Có một cháu bé tâm sự với tôi rằng cháu muốn đi học lắm nhưng vì nhà cháu nghèo, bố mẹ lại bệnh tật nên cháu phải đi làm để giúp đỡ gia đình. "Nhớ trường, nhớ lớp nhưng đành chịu thôi, ông ạ!".
Nếu không nhanh chóng có những chính sách hỗ trợ thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều cháu phải bỏ học, thất học và cả mù chữ vì không được đi học. Là một người cộng sản, chúng ta phải suy nghĩ như thế nào về hiện tượng này? Phải làm gì để những gia đình này thoát khỏi đói nghèo, con cái họ được học hành?”. Ông Phiêu day dứt.

Từ sau lời tâm sự ấy, câu chuyện buồn hẳn đi. Tôi hiểu trong lòng, cả hai ông đang rất nhiều trăn trở. Tôi còn có cảm giác kể từ sau cuộc gặp gỡ này, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trở thành “người bạn lớn”, gần gũi và gắn bó với những người làm Khuyến học Việt Nam, đặc biệt là với báo Dân trí chúng tôi.

Không chỉ luôn để tâm tới sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của báo cũng như của Quỹ Vòng tay Đồng đội, ông còn rất quan tâm đến nhiều hoạt động xã hội khác của Dân trí. Hầu như năm nào ông cũng theo dõi, gửi thư, lẵng hoa và cả trực tiếp đến dự Lễ trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

Lần đầu tiên ra mắt, "Quỹ Vòng tay Đồng đội" (HTV truyền hình trực tiếp, ông Phiêu đến dự) đã nhận được gần 10 tỉ đồng, trong đó có nhiều đóng góp của các  doanh nhân từng là quân nhân cùng các nhà hảo tâm trong và nước ngoài.

Xin vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một chiến sĩ  Cách mạng kiên trung, một người lính Cụ Hồ, một nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, người nâng bước cho Quĩ “Vòng tay Đồng đội” và báo Dân trí điện tử chúng tôi.

Xin vĩnh biệt một trái tim nhân hậu!