Tôi xin tự nhận mình là loại người… "hai phải"!
(Dân trí) - Một là kiên quyết xử lý dù biết là vi phạm và hoàn toàn có thể bị kỉ luật, thậm chí mất việc nhưng vẫn làm vì trách nhiệm và hai là buông xuôi, nín nhịn mấy tháng rồi… tống cho lên lớp.
Ở đời, có lẽ chán nhất là dạng người ba phải, Đó là kiểu người nhàn nhạt,, không có cá tính mà cũng chẳng có chính kiến, ậm à, ậm ờ “Mười rằm cũng ừ, mười tư cũng gật”, nhiều khi còn “Ngậm miệng ăn tiền”. Là nhà báo thì càng chán nếu không có chính kiến rõ ràng.
Thế nhưng với chuyện này thì thành thật, tôi tự nhận thấy mình là loại người… "hai phải".
Những ngày qua, dư luân bàn tán khá rôm rả xung quanh chuyện một cô giáo bắt học trò quì trên lớp. Xin không bàn sâu về diễn biến mà tập trung vào một vấn đề vốn đã và chắc chắn sẽ còn gây nhiều tranh cãi: Giáo viên xử phạt học sinh vi phạm thế nào là đúng?
Thật ra, câu hỏi này đã được giải đáp cách đây trên 30 năm bằng Thông tư 08/TT mà hiện nay vẫn được áp dụng.
Cụ thể, Thông tư này qui định có 5 hình thức kỷ luật với học sinh phạm khuyết điểm. Đó là khiển trách trước lớp, khiển trách trước Hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh báo trước toàn trường, đuổi học một tuần, đuổi học một năm.
Trong đó, giáo viên chủ nhiệm chỉ được một quyền, đó là khiển trách trước lớp. Những hình thức kỉ luật còn lại do Hội đồng kỉ luật nhà trường quyết định.
Như vậy là về luật pháp, việc cô giáo bắt học sinh quì là trái với qui định.
Với một đất nước pháp quyền, mọi việc cứ theo luật mà làm. Tuy nhiên ở ta, chuyện thày cô giáo có những hình phạt nghiêm khắc với học sinh thì giữa lý và tình còn nhiều tranh cãi.
Nhìn chung, dư luận chia thành hai phía, đồng tình và phản đối.
Phía phản đối thì tất nhiên, việc đầu tiên là dẫn luật và sau đó, đặt vấn đề về trình độ giáo viên với những đòi hỏi rất… lý tưởng và nói thẳng là với hiện tại là phi thực tế. Ví như đặt ra những yêu cầu quá cao về nghiệp vụ mà giáo viên chưa (và cả không) thể đáp ứng.
Phía đồng tình ngược lại, đuối về lý (luật pháp) nhưng lại khá ổn về tình với sự “yểm trợ” của quá khứ. Họ đánh giá qua lăng kính “động cơ”, cho rằng mục đích của giáo viên là tốt và viện dẫn quá khứ qua sự thành công của “nền giáo dục đòn roi”.
Tóm lại, trước một học sinh cá biệt thì làm thế nào?
Một bên cho rằng cần cảm hóa, khuyên bảo, yêu thương nhưng xin thưa, nói thì dễ như… lý thuyết bởi có thể giáo viên đã áp dụng rồi nhưng không kết quả và thứ nữa, đòi hỏi một cô giáo tiểu học như vậy có quá sức, nhất là khi mà đầu vào của ngành này hiện có điểm số rất thấp (9 điểm 3 môn).
Một bên cho rằng cần phải có hình phạt nặng, đủ sức răn đe không chỉ với cá nhân học sinh đó mà còn phải giữ để không ảnh hưởng đến học sinh khác…
Sẽ có 2 cách hành xử của giáo viên. Một là kiên quyết xử lý dù biết là vi phạm và hoàn toàn có thể bị kỉ luật, thậm chí mất việc nhưng vẫn làm vì trách nhiệm và hai là buông xuôi, nín nhịn mấy tháng rồi… tống cho lên lớp. Cách này lương tâm có thể áy náy nhưng đổi lại, an toàn tuyệt đối.
Có một người bạn trong nghề tâm sự rằng học sinh hiện nay ngày càng hư., không sợ thày cô vì không dám đánh mắng lại không chấm điểm… Không ít em bị phụ huynh “tiêm nhiễm” có ý chỉ rình xem cô sao để… kiện!
“Suốt ngày rửa đít, đổ bô và vâng dạ. Áp lực thì lớn mà thu nhập chỉ ngang ngửa với osin… Nhiều lúc muốn bỏ nghề nhưng tuổi đã cao, gắn bó lâu năm với nghề và cũng thương học sinh nên đành phải cố…”. Một cô giáo than thở.
Nghe cô giáo nói thì thương, rất thương nhưng rồi nghĩ đến bà hiệu trưởng ở Thanh Hóa ăn bớt cả suất cơm của trẻ hay chuyện cô giáo ở Hải Phòng hành hạ học sinh lại giận đến run người. Buồn thay những việc như thế này không phải là nhiều nhưng cũng không cá biệt…
Tóm lại là hiện nay tôi rất băn khoăn, không biết nên có thái độ thế nào đành tự nhận mình là loại người… "hai phải".
Theo các bạn thì nên hành xử với những học sinh hư như thế nào là hơp lý?
Bùi Hoàng Tám