Vụ việc giữ tiền phụ huynh "đặt chỗ", nên hành xử thế nào cho phải?

(Dân trí) - Nếu còn sống, GS Văn Như Cương sẽ có cách hành xử thấu đáo nhất. Đó là niềm tin của tôi, một người từng hơn một lần trực tiếp tiếp xúc, trò chuyện với ông và cũng từng coi ông như một người anh, người thầy dù tôi không theo học ông một ngày và cũng chưa từng một lần nhờ vả…

Vụ việc giữ tiền phụ huynh "đặt chỗ", nên hành xử thế nào cho phải? - 1

Gần đây, chuyện một số trường dân lập có chủ trương không trả lại khoản tiền phụ huynh đã “đặt chỗ” cho nhà trường nếu rút hồ sơ như Trường THCS-THPT Lý Thái Tổ (Q. Thanh Xuân) với mức 2 triệu đồng, Trường Lương Thế Vinh với mức đóng góp lên tới 6 triệu đồng/học sinh...

Việc làm này gây bức xúc dư luận và theo thông tin từ báo chí, “Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Trường Lương Thế Vinh hoàn trả lại các khoản phí đã thu trong trường hợp học sinh rút hồ sơ.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, họ gặp khó khăn khi đến trường lấy lại tiền. Có người chầu chực cả ngày vẫn không lấy được. Có người chỉ được trả một phần kinh phí đã nộp và cho rằng trường đang gây khó khăn”.

Trả lời báo Lao động, bà Phó Hiệu trưởng Văn Thùy Dương cho biết, việc tuyển sinh diễn ra rất minh bạch, đã được thông báo trên các phương tiện thông tin, đăng tải trên trang web, facebook.

“Chúng tôi có thông báo cụ thể về mức điểm chuẩn, các giấy tờ, các khoản đóng góp cần thiết, thậm chí có dòng lưu ý: Khi phụ huynh đã đến nộp hồ sơ, có nhu cầu rút thì các khoản thu sẽ được sung vào Quỹ Khuyến học của nhà trường…

Việc Sở GDĐT Hà Nội ra văn bản yêu cầu chúng tôi trả các khoản tiền đã thu làm phụ huynh loạn lên. Đáng lẽ người ta hiểu Luật Dân sự, khi đã thỏa thuận với nhau rồi thì phải chấp nhận, đằng này họ kéo đến trường đòi lại tiền, làm tình hình trở nên lộn xộn”.

Thông tin từ báo Dân trí, nhà trường chỉ trả lại kinh phí những trường hợp xin rút từ ngày 3/7 trở đi, bao gồm tiền đồng phục, tiền vở, tiền sách các con không dùng và mang đến, nhà trường sẽ trả. Tổng của số tiền các khoản này khoảng 2 triệu đồng.

"Điều đáng nói ở đây, Sở GD&ĐT không có sự thống nhất cho khối trường ngoài công lập, mỗi năm chỉ đạo một kiểu khiến chúng tôi năm nào cũng loạn lên như vậy”. Bà Dương nói.

Có thể nói về lý, bà Phó Hiệu trưởng không sai bởi đã có sự thỏa thuận. Số tiền này sẽ được sử dụng vào mục đích khuyến học, không mang tính vụ lợi cá nhân. Mặt khác, việc làm này tránh cho nhà trường những khó khăn, phiền toái không đáng có.

Song, người viết bài này không khỏi băn khoăn bởi số tiền 6 triệu đồng là lớn, thậm chí rất lớn đối với một người lao động bình thường. Nó là mồ hôi, công sức và đôi khi cả nước mắt.

Việc không trả lại khoản tiền này có thể đúng lý nhưng chưa “hợp lòng dân”, nhất là với Trường Lương Thế Vinh, ngôi trường do cố Nhà giáo Văn Như Cương sáng lập.

Còn nhớ khi ông mất, trong bài “Vì sao Thầy Cương đang mỉm cười nơi chín suối?!”, người viết bài này đã kể về ông với sự kính trọng và ngưỡng mộ: “Đó là lần vào bệnh viện điều trị bệnh ung thư giai đoạn cuối, hơn 3.000 học sinh Lương Thế Vinh hát vang ca khúc truyền thống “Bài ca Lương Thế Vinh” đễ tiễn ông.

Hơn 19.000 con hạc giấy đã được gấp và treo thành từng dây ở sảnh trường Lương Thế Vinh với niềm tin của các em là những con hạc giấy sẽ giúp Thầy vững vàng chống chọi với bệnh tật và mau lành bệnh.

Khi Thầy ra viện, cả nghìn thầy trò đã sắp hàng dài trước cổng đón Thầy với tiếng vỗ tay và tiếng trống trường giòn giã.

Giờ đây thì Thầy Cương đã vĩnh viễn ra đi nhưng lòng nhân ái, bao dung của Thầy, tình yêu thương của Thầy và những công trình khoa học của Thầy sẽ còn mãi trong tâm trí không chỉ học trò, những người bạn mà cả những ai chưa một lần quen biết”.

Trở lại với việc "đặt chỗ", hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau. Song, người viết bài này tin rằng nếu còn sống, GS Văn Như Cương sẽ hành động thấu đáo bởi trái tim ông từ lâu đã thuộc và luôn thuộc về phía những người lao động. Ông cảm thông và sẻ chia cùng họ...

Xin một lần nữa cầu mong ông mỉm cười nơi chín suối.

Bùi Hoàng Tám