Tội phạm ấu dâm - đâu là giới hạn của khoan dung, tha thứ?
(Dân trí) - Tôi luôn mang trong mình trăm ngàn câu hỏi, rằng làm sao giúp con đi qua thời thơ ấu tươi đẹp, vô tư một cách an toàn? Tôi, một người mẹ liệu có thể bảo vệ con mình trước những kẻ bệnh hoạn đang ẩn mình đâu đó ngoài kia hay không? Tôi sẽ phải nói với con những gì, chuẩn bị cho con những hành trang ra sao trước khi con khôn lớn...
Trong khoảng 2-3 ngày trở lại đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn video clip của nước ngoài kể về cô bé Hope (Hy vọng) không may bị kẻ xấu lạm dụng ngay gần trường học trong một ngày mưa tầm tã.
Cô bé nhập viện trong tình trạng bị chấn thương nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần. Bố mẹ của Hope đã phải rất vất vả để bảo vệ con trước những con mắt soi mói của truyền thông, của người đời về câu chuyện đau buồn đó.Clip trích từ một bộ phim dựa trên vụ án có thật từng gây chấn động Hàn Quốc năm 2008 tên là “Nayoung case”.
Chứng kiến đoạn phim đó, tôi đã không thể cầm lòng. Gạt nước mắt mà lòng tôi không khỏi giận dữ, phẫn nộ. Tôi viết những dòng này, vừa với tâm trạng của một con người bình thường trong xã hội, vừa mang nặng nỗi lòng của một người mẹ có con gái.
Lớn lên từ một làng quê nghèo, tôi thấu hiểu cái cảm giác nơm nớp sợ hãi, những nỗi ám ảnh của các bé gái phải trải qua, nhất là trong lứa tuổi dậy thì, khi mỗi buổi đi học – về nhà đều phải băngqua đồng không mông quạnh, qua những con đường vắng vẻ mỗi tối, mỗi trưa.
Hầu như suốt thời thơ ấu ấy, rất ít khi chúng tôi dám gọi tên nỗi sợ ấy ra với bố mẹ, người thân, với bạn bè mình. Chỉ biết cầu cho may rủi, chỉ biết mong cho qua thời gian, qua những chặng đường nhiều rủi ro rình rập đó. Không ai dạy cho chúng tôi cách tự vệ, cách ứng phó trước những tình huống xấu nếu chẳng may bất chợt có xảy ra.
Tôi nhớ, hồi học phổ thông, thỉnh thoảng lại râm ran tin đồn về một cô bạn nào đó “hư hỏng” vì có thai lúc mới chỉ vừa 15 tuổi, tức đang học lớp 9. Tuyệt nhiên, không ai nói về “quyền trẻ em”, vốn dĩ là một điều gì đó rất xa vời ở những vùng quê xa xôi như thế, không ai đặt vấn đề phải đưa kẻ lạm dụng ra ánh sáng, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Và tôi tin rằng, hàng triệu thế hệ trẻ em gái đã phải trải qua quãng thời gian lớn lên đầy ám ảnh, đầy những mối lo âu khi chuyển mình từ một bé gái để trở thành một thiếu nữ một cách đầy cô độc, không người chia sẻ.
Những năm tháng sau này, khi làm mẹ, tôi luôn mang trong mình trăm ngàn câu hỏi, rằng làm sao giúp con đi qua quãng thời gian thơ ấu tươi đẹp, đầy vô tư một cách an toàn? Tôi, một người mẹ liệu có thể bảo vệ con mình trước những kẻ bệnh hoạn đang ẩn mình đâu đó ngoài kia hay không? Tôi sẽ phải nói với con những gì, chuẩn bị cho con những hành trang ra sao trước khi con khôn lớn?...
Chỉ mấy tháng trước, báo chí đưa tin về việc một người mẹ ở Long An ôm con gái lên TPHCM để phản ánh việc con mình bị xâm hại. Một người mẹ khác ngay tại Hà Nội đấu tranh hàng tháng trời để đưa một kẻ bằng tuổi ông nội con mình sống ngay cùng khu chung cư ra pháp luật… Những cuộc đấu tranh chênh vênh giữa đúng – sai, giữa lẽ công bằng với danh dự và miệng lưỡi thế gian đều khó khăn và đầy nước mắt.
Rồi tôi ớn lạnh trước sự vô tư đến vô cảm của xã hội khi “đón chào” sự trở về của một kẻ vừa mãn hạn tù ở Mỹ vì tội “ấu dâm”, bằng sự chào mừng đầy hồ hởi. Thậm chí một số nơi còn đăng kế hoạch trở lại showbiz của anh ta như một nghệ sĩ thành công lâu ngày về nước. Và anh ta, thay vì một lời xin lỗi, một lời ăn năn thì lại gửi tới cộng đồng những tiếng cảm ơn hoan hỉ, báo rằng mình “rất khỏe”.
Tôi vốn là người không khó bao dung, tha thứ, nhưng tôi không chấp nhận coi những gì mà một tội phạm ấu dâm gây ra là một “sai lầm” – chúng là “tội ác”, tội ác thật sự nguy hiểm. Tội ác thì phải bị phơi bày, phải bị loại bỏ, và những kẻ gây ra tội ác phải trả giá và phải bị giám sát bởi cộng đồng.
Đừng lý thuyết về quan điểm “cải lương” rằng phải bao dung cho những người lầm lỗi. Luật pháp cũng không đặc xá hay giảm án cho loại tội danh này. Những người xứng đáng được bao dung phải là những người dám đối diện với sai trái, với sai lầm của mình mà hối cải, chứ không phải là những kẻ trơ trẽn, dửng dưng trước những điều bỉ ổi đã gây ra.
Sẽ ra sao nếu chính con cái, người thân trong các bạn bị những kẻ ấu dâm kia lạm dụng? Đã có bao nhiêu trẻ em bị bắt cóc, bị mua bán… để phục vụ cho những thú vui biến thái của những kẻ ấu dâm?
Trẻ em vốn là những tờ giấy trắng, những sinh linh nhỏ bé không có sức chống cự và cần bảo vệ bởi gia đình, xã hội. Những chấn động về tâm lý, thể xác có thể sẽ đeo bám một đứa trẻ cả đời và thay đổi hoàn toàn tương lai đứa trẻ đó.
Đừng phó thác cho pháp luật, đừng phó thác cho những điều tra viên. Không ai có thể bảo vệ tốt hơn con cái bằng chính cha mẹ, và một vài người cha người mẹ dũng cảm cũng sẽ chẳng thể nào làm nên chuyện nếu không có sự chung tay, chia sẻ của cả cộng đồng. Xin đừng vô cảm, dù chỉ là một phút trong đời!
Bích Diệp